Đại biểu Quốc hội đề xuất thay đổi quy định về kê khai giá hàng hóa, dịch vụ
Thảo luận tại hội trường về Luật Giá (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết của việc kê khai giá. Bởi đây là yếu tố quan trọng để có thể xác định được đúng giá cả và tạo ra cơ sở dữ liệu đầu vào cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đang tham gia trên thị trường.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất hoạt động kê khai giá không nên giới hạn ở một số các loại hàng hóa như quy định hiện hành, mà phải quy định tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông trên thị trường.
Theo các ĐBQH, cần phải thay đổi quy định về kê khai giá, trong đó chỉ có 2 đối tượng phải thực hiện kê khai giá chứ không cần phải quá nhiều. Đối tượng thứ nhất phải kê khai giá là những doanh nghiệp sản xuất lần đầu tiên đưa sản phẩm vào thị trường thì phải kê khai giá. Đối tượng thứ hai là những doanh nghiệp nhập khẩu khi lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa này đưa vào thị trường để tiêu thụ thì phải kê khai giá.
Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội:“Như vậy, trong quá trình hàng hóa vận động trên thị trường thì chúng ta hoàn toàn có thể nắm bắt được qua mỗi một khâu giá cả chi phí tăng như thế nào, thông qua đó chúng ta không phải chỉ quản lý được giá, không phải chỉ cơ quan định giá có cơ sở để xác định giá của nó bao nhiêu là hợp lý mà các cơ quan thuế còn có thể quản lý được việc các cơ quan khai báo chênh lệch về thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng có đúng hay không.”
Bà TRẦN THỊ THU HẰNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: “Tại khoản 3 Điều 31 dự thảo Luật liệt kê rất nhiều các trường hợp kê khai giá. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc giới hạn lại đối tượng cần thực hiện kê khai giá theo hướng dẫn chỉ những tổ chức, những nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa, đại lý cấp 1, nhà phân phối độc quyền mới phải thực hiện kê khai giá, bỏ quy định kê khai đối với các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ.”
Ngoài đề xuất liên quan đến thay đổi quy định về kê khai giá, các ĐBQH cũng nhấn mạnh đến vấn đề quản lý kê khai giá.
Bà KHƯƠNG THỊ MAI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: “Khoản 5 Điều 17 dự thảo Luật quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tổ chức phân công, phân cấp việc tiếp nhận kê khai giá trên địa bàn tỉnh". Tôi đề nghị nên phân công rõ việc tiếp nhận, kê khai giá để có sự thống nhất trên địa bàn toàn quốc.”
Ông NGUYỄN CÔNG HOÀNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: “Vừa rồi chúng ta có rất nhiều tham chiếu và kê khai giá đã làm cho các đơn vị rất thuận lợi trong việc mua sắm, đấu thầu và công khai, minh bạch. Tôi nghĩ việc tham chiếu này chỉ là một vấn đề quản lý giá theo hình thức gián tiếp nhưng mang lại rất nhiều lợi điểm.”
Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đây là việc cần làm, bởi kê khai giá tập trung vào một số giá cụ thể thì sẽ sâu hơn, kiểm soát được hơn.
Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Chúng ta có hàng trăm ngàn loại giá, chúng tôi sẽ xem xét, nghiên cứu về vấn đề này, vì nhiều giá quá cũng không đủ lực lượng để xác định kê khai giá. Kê khai giá nhằm yêu cầu giải trình khi giá cả có sự thay đổi để đảm bảo vấn đề quản lý nhà nước về giá để không tăng đột biến hoặc lợi dụng chính sách về giá để tạo nên giá đột biến.”
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của Đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để hoàn thiện luật và sẽ trình với Quốc hội trong Kỳ họp thứ 5./.
Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam