Đại biểu Quốc hội hiến kế đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không thể muộn hơn được nữa. Nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng cho rằng, cần phải khẩn trương đầu tư dự án này.
Đào tạo nhân lực từ bây giờ để tránh bị động
Ngày 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, việc đầu tư dự án hiện nay là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết khi nghiên cứu tài liệu và trao đổi với các đại biểu Quốc hội khóa XII, rất nhiều đại biểu tiếc nuối vì không bấm nút để thông qua dự án đường sắt tốc độ cao với tổng mức đầu tư giai đoạn đó là 56 tỷ USD, còn nay đã tăng lên 67 tỷ USD, và đã lỡ mất cơ hội phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Vì thế, theo bà Chinh, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không thể muộn hơn được nữa.
Theo bà Chinh, nếu không quan tâm đào tạo nhân lực từ bây giờ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, chúng ta sẽ rất bị động.
"Cùng với chuyên gia nước ngoài, chúng ta phải làm chủ công nghệ, vận hành dự án này", bà Chinh nói và đề xuất cần quy định riêng về đào tạo nhân lực cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cũng cho rằng yếu tố cần tính đến nhất khi đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là nguồn nhân lực.
"Siêu dự án này đòi hỏi yêu cầu rất cao về nguồn nhân lực. Và nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chưa đáp ứng được vì trình độ chưa đủ sức vận hành và khai thác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đường sắt tốc độ cao", ông Thái nhận định.
Với kiến nghị cần bắt tay đào tạo nhân lực ngay từ bây giờ, ông Thái cho rằng nếu làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ thiết kế 350km/h và chuyên chở hành khách, có thể tính thuê các nhà thầu, kỹ sư, nhà quản lý, lái tàu… từ các nước đã phát triển loại hình này như Nhật Bản.
Về hướng tuyến, Chính phủ báo cáo dự án được nghiên cứu theo hướng "ngắn nhất có thể", nhưng ông Thái cho biết dư luận đang đặt câu hỏi vì sao dự án khi đi qua Nam Định lại đi vòng và tạo nên đường gấp khúc.
"Việc này cần kiểm chứng, giải trình và minh bạch trước dư luận để tạo sức thuyết phục cao ngay trước khi quyết định đầu tư dự án", ông Thái nêu quan điểm.
Thủ tướng hoặc một Phó thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo dự án
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (đoàn Hà Nội) nhận định, đường sắt Việt Nam đang phát triển rất chậm so với các nước trên thế giới.
Ông Trúc Anh cho rằng, cần phải nhìn vấn đề này thành một chương trình trọng điểm cấp quốc gia, chương trình nâng cấp ngành đường sắt và công nghiệp phụ trợ. Và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một dự án trong chương trình này.
"Đường sắt đô thị rất quan trọng. Tôi chưa hình dung trong vòng 30 năm tới, một hình thức vận tải nào có thể thay thế đường sắt đô thị, nhất là các đô thị trên một triệu dân", ông Trúc Anh nói.
"Thủ tướng hoặc một Phó thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo, gắn chặt sinh mệnh chính trị của mình với dự án này thì mới làm được. Bên cạnh đó, cần các cơ chế thí điểm đặc thù thì dự án này mới thành công", vị đại biểu nêu quan điểm.
Song song với vấn đề này, ông Trúc Anh cho rằng phải đảm bảo an toàn năng lượng, tức là phải thực hiện vấn đề điện hạt nhân.
Theo đại biểu, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ ngốn nhiều điện, vì vậy điện nên phải đầy đủ, ổn định. Hai dự án phải thực hiện cùng lúc.
"Phải nhìn đường sắt đô thị và vận tải lớn trong một chương trình tổng thể, trong đó có cao tốc Bắc - Nam thì mới chuẩn. Tiền chúng ta không ngại, nếu chúng ta thành công và nội địa hóa được, hiệu quả lợi ích kinh tế mang lại còn lớn hơn rất nhiều", vị đại biểu nhìn nhận.
Thà đắt một lần nhưng bền vững về sau
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, điểm nghẽn hiện nay là vấn đề logistics không hút được đầu tư phát triển. Khi xây dựng xong tuyến đường sắt này sẽ giải quyết được điểm nghẽn về logistics, nhất là vận tải hàng hóa Bắc - Nam.
Ông Cường bày tỏ băn khoăn về việc tuyến đường sắt này được đề xuất chỉ vận chuyển hành khách, còn hàng hóa chỉ là đa dụng trong trường hợp cần thiết. Đại biểu đề nghị làm tuyến lưỡng dụng, bao gồm cả hàng hóa và hành khách để giải quyết nhu cầu vận tải hàng liên thông quốc tế.
Về phương thức đầu tư để đạt được tiến độ, theo ông Cường, hiện cả ba tuyến đường sắt đô thị ở Việt Nam đều kéo dài hơn 10 năm mới hoàn thành, trong khi đó đường dây 500KV mạch 3 triển khai rất thần tốc.
"Phải làm chủ công nghệ. Chúng ta phải là nhà đầu tư, nhà thầu. Nếu cứ tiếp tục đi thuê nhà đầu tư nước ngoài thì không thể bảo đảm được", ông Cường nói.
Theo đại biểu, không quan trọng công nghệ của nước nào nhưng phải chuyển giao công nghệ cho ta và ta phải là nhà đầu tư thì mới giải quyết được vấn đề thời gian hoàn thành.
Ngoài ra nếu đi mua thiết bị thì khi dự án hoàn thành xong sẽ lại tiếp tục lệ thuộc vào thiết bị, vận hành, sửa chữa. Đại biểu cho rằng, như vậy sẽ tạo gánh nặng, món nợ cho đời sau.
Ông Cường cũng cho hay, việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc lớn vào thị phần đường sắt. Thị phần đường sắt của chúng ta đã là 150 tỷ USD, đây là thị phần rất lớn, đủ khả năng để chuyển giao công nghệ.
"Trong nghị quyết của Quốc hội nên ghi rõ đầu tư phải thực hiện được chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và chúng ta phải làm chủ trong quá trình đầu tư, để từ đó đầu tư các hệ thống đường sắt khác chứ không phải đi mua các sản phẩm đó. Nếu đi mua sẽ rẻ hơn so với chuyển giao, nhưng thà đắt một lần nhưng bền vững về sau", ông Cường nêu quan điểm.
Vị đại biểu nhận định, phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ bổ sung cho hệ thống vận tải hiện nay chứ không phải cạnh tranh với hệ thống vận tải khác. Đường sắt tốc độ cao phải giải quyết được nhiệm vụ kết nối người dân ở các địa phương.
Tránh tình trạng thiếu vật liệu xây dựng khi triển khai dự án
Nhất trí với chủ trương đầu tư dự án, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là nguồn vốn đầu tư để đảm bảo tính khả thi. Do đó, ông đề nghị trong báo cáo khả thi cần làm rõ hơn về nội dung này.
Cụ thể, cần bổ sung phân tích, làm rõ hơn tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn sau; về khả năng đáp ứng của nguồn lực ngân sách nhà nước.
"Cần dự báo, lường trước những vấn đề khó khăn có thể phát sinh để đưa ra hướng giải quyết kịp thời, phù hợp trong quá trình triển khai", đại biểu Giang nhấn mạnh.
Quan tâm tới vấn đề công nghệ, nguồn nhân lực trong quá trình thực hiện, đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn, dự trù được những vấn đề phát sinh để đảm bảo việc triển khai dự án theo đúng tiến độ, chất lượng cũng như mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu thực tế, việc triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành, thực tế vấn đề này cũng thường xảy ra ở nhiều dự án đầu tư công.
Ngoài ra, nhu cầu dự án cần sử dụng lượng xi măng, sắt thép, cát rất lớn, trong thời gian dài. Trong khi đó thời gian tới có nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, công trình xây dựng đồng loạt triển khai thi công.
Đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, thực tế, việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia thời gian qua cho thấy, dù đã áp dụng các chính sách đặc thù về mỏ vật liệu. Tuy nhiên nguồn cung nguyên vật liệu vẫn thiếu, không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án.
Từ những phân tích nêu trên, ông Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ, đánh giá từng vấn đề cụ thể, chi tiết để có giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại này để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra.