Đại biểu Quốc hội hiến kế hạn chế rút BHXH 1 lần

Đại biểu Quốc hội nêu những băn khoăn đối với vấn đề BHXH 1 lần và kiến nghị giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này.

Hôm qua (27-5), Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận về dự luật BHXH (sửa đổi).

Tiếp tục trình 2 phương án BHXH 1 lần

Theo đó, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến dự thảo luật có tác động tới số đông người lao động (NLĐ), đặc biệt là vấn đề rút BHXH 1 lần.

 Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án về BHXH 1 lần. Phương án 1, chỉ cho người tham gia BHXH trước ngày luật có hiệu lực (dự kiến từ 1-7-2025) được rút BHXH 1 lần. Người tham gia sau thời điểm này không được rút nữa.

Phương án 2, NLĐ được rút 1 lần nhưng tối đa 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.

Dự thảo trình Quốc hội kỳ họp thứ 7 lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đưa ra 2 phương án về rút BHXH 1 lần.

Phương án 1 chia 2 nhóm. Trong đó, nhóm 1 là người tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện,có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được rút BHXH 1 lần như quy định hiện hành.

Nhóm 2, người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được rút BHXH 1 lần.

Phương án 2, NLĐ được rút BHXH 1 lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Nhiều giải pháp giảm rút BHXH 1 lần

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) bày tỏ ủng hộ phương án 1, đồng thời đề nghị cần có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc làm như tín dụng ưu đãi, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động… Từ đó, giảm thiểu tình trạng NLĐ rút BHXH 1 lần nhằm giải quyết các khó khăn trước mắt.

Theo bà Hương, có nhiều lý do dẫn đến NLĐ rút BHXH 1, chẳng hạn mức lương thấp, không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu, hoàn cảnh khó khăn, chưa tin tưởng vào quyền lợi BHXH mang lại hay do áp lực về mất việc làm...

Giai đoạn 2016-2021, cả nước có hơn 4 triệu người đề nghị hưởng BHXH 1 lần, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người rút BHXH 1 lần. Chỉ trong tháng 2-2024, cả nước có 70.000 người rút BHXH 1 lần.

"Do vậy, cần nghiên cứu có các quy định và giải pháp tổng thể để bảo vệ quyền lợi của NLĐ sao cho phù hợp với thực tiễn và nguyên lý đóng - hưởng của BHXH" - bà Hương nói.

 Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang). Ảnh: PHẠM THẮNG

Tương tự, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn TP Hải Phòng) cũng cho rằng phương án 1 sẽ giúp đảm bảo an sinh tuổi già cho NLĐ, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện. Tuy vậy, cần có định hướng truyền thông để hướng đến an sinh bền vững cho NLĐ khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHYT, lương hưu...

"Đề nghị nghiên cứu chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với NLĐ mất việc làm, bệnh tật… để họ vượt qua khó khăn trước mắt, không phải nghĩ đến việc rút BHXH 1 lần" - ông Tân nêu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc rút BHXH 1 lần là thực trạng mà Việt Nam đang vấp phải, người rút 1 lần nhiều nhất nằm trong độ tuổi 35-40 do nhóm này nghỉ việc rất nhiều.

Theo ông Hòa, thực trạng này có nguyên nhân là doanh nghiệp "suy dinh dưỡng", ngừng hoạt động nên công nhân nghỉ việc. Hơn nữa, nhóm tuổi này bị cho nghỉ việc nhiều, xin việc mới lại khó khăn nên họ phải rút BHXH 1 lần.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Hòa cũng ủng hộ phương án 1, đồng thời đề nghị bổ sung quy định ngân hàng chính sách xã hội phải cho những người không rút BHXH 1 lần vay vốn lãi suất ưu đãi để trang trải cuộc sống. Để thuận lợi, phát huy tính dân chủ của đại biểu, ông Hòa cũng thống nhất nên lấy phiếu ý kiến về 2 phương án BHXH 1 lần.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cũng đồng tình ý kiến để hạn chế rút BHXH 1 lần, cần nghiên cứu phương án hỗ trợ cho vay tín dụng lãi suất ưu đãi đối với người thật sự khó khăn.

“Việc hỗ trợ cho vay cần được dựa vào thời gian tham gia BHXH, nếu thời gian tham gia càng lâu sẽ được vay càng nhiều, ví dụ lãi suất cho vay bình quân 7-8%/năm thì những người này sẽ được được vay với lãi suất ưu đãi 2-3%/năm…” – ông nói.

Tích hợp 2 phương án trình Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho hay qua nghiên cứu dự thảo luật, ông thấy nội dung về BHXH 1 lần liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều NLĐ. Do đó, ông đề xuất tích hợp 2 phương án mà Chính phủ trình.

Theo đó, với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-7-2025 vẫn được rút BHXH 1 lần theo lộ trình giảm dần và chấm dứt vào năm 2030. Ngoài ra, bổ sung thêm điều kiện quy định theo hướng có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích NLĐ ở lại hệ thống an sinh, không rút 1 lần.

 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận). Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Thông cho rằng khi thực hiện phương án này sẽ có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, giảm tình trạng gia tăng đột biến số người rút 1 lần trước khi luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1-7-2025), đồng thời sẽ không tạo ra sự so sánh giữa người tham gia BHXH trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.

Thứ hai, việc này cũng giúp các cấp, các ngành có thời gian đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông, giúp NLĐ hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của các quy định. Từ đó giảm bớt các phản ứng tiêu cực của NLĐ, giúp họ thích ứng với quy định mới theo lộ trình nhất định.

Về vấn đề này, trước đó ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng từng đề nghị: Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia về hạn chế rút BHXH 1 lần, việc tích hợp hai phương án 1 và 2 là hợp lý. Cụ thể, người tham gia BHXH trước thời điểm luật có hiệu lực sẽ được rút 8% đã đóng, còn lại tích lũy trong hệ thống để hưởng lương hưu.

Thiết kế thêm chế độ vào BHXH tự nguyện

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP Cần Thơ) cho rằng với phương án 2, dù không chấm dứt tình trạng rút BHXH 1 lần nhưng đảm bảo quyền lựa chọn của người tham gia BHXH, giữ chân NLĐ lại hệ thống an sinh.

Quy định được rút BHXH 1 lần không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất trước mắt sẽ làm giảm quyền lợi của NLĐ, nhưng lâu dài họ sẽ được đảm bảo về an sinh xã hội tối thiểu khi về già.

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn TP Cần Thơ). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn TP Cần Thơ) đồng tình với phương án 2, nhưng nhìn nhận phương án này chưa giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt của NLĐ. Đa phần người tham gia BHXH tự nguyện có khó khăn về cuộc sống, họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn.

Do vậy, để giữ chân NLĐ ở lại mạng lưới an sinh, hạn chế rút BHXH 1 lần, rất cần thiết kế thêm các chế độ vào BHXH tự nguyện để người tham gia yên tâm hơn khi gặp các khó khăn trong cuộc sống.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-hien-ke-han-che-rut-bhxh-1-lan-post792807.html