Đại biểu Quốc hội hiến kế ngăn 'xin - cho' quyền khai thác khoáng sản

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Dương đề nghị áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đầu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản, để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng 'xin - cho' quyền khai thác khoáng sản.

Hạn chế tối đa các nội dung giao hướng dẫn thi hành

Chiều nay (20/6), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật Địa chất.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản, khoản 4, Điều 4 dự thảo Luật quy định "Nhà nước dành một phần kinh phí từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản".

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cho rằng, theo quy định của luật hiện hành, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách Trung ương, 30% cho ngân sách địa phương đối với giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương đối với giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang).

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang).

Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị rà soát quy định của dự thảo Luật về tỷ lệ trích kinh phí phù hợp với nguyên tắc nộp các khoản thu về ngân sách Trung ương hoặc địa phương. Hoặc có thể sửa theo hướng "Nhà nước bố trí ngân sách để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản".

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ quy định "Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản", bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Theo thống kê, dự thảo luật hiện giao Chính phủ hướng dẫn thi hành 51 điều, khoản, điểm trên 117 điều, chiếm 43,58%; chưa kể nội dung giao cho bộ, ngành và địa phương.

Nhận thấy dự luật "quá nhiều nội dung giao Chính phủ", đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị rà soát kỹ lưỡng, những nội dung nào cần thiết và có thể cụ thể hóa thì quy định luôn trong dự thảo luật, hạn chế tối đa việc khi luật ban hành có hiệu lực rồi, lại phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá

Về quy định hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông phải dựa trên nguyên tắc về khả năng bồi hoàn của tự nhiên để phòng chống rủi ro sạt lở lòng bờ, bãi sông và các công trình khác cần được bảo vệ, đại biểu Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang) cho rằng, quy định như dự thảo Luật thì địa phương không thể cấp phép khai thác được vì không đánh giá được khả năng bồi hoàn của tự nhiên, do phải đánh giá trên cả lưu vực sông.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang).

Đại biểu Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang).

Ông Nguyễn Văn Dương đề nghị áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đấu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản, để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng "xin - cho" quyền khai thác khoáng sản.

Theo đó, tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu thầu thực hiện dự án khoáng sản, trừ khu vực chứa khoáng sản năng lượng, phóng xạ, hạt nhân, khu vực khoáng sản tại vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát kỹ điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, phù hợp nhằm xử lý các trường hợp đang thực hiện theo Luật Khoáng sản năm 2010 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-hien-ke-ngan-xin-cho-quyen-khai-thac-khoang-san-192240620190141636.htm