Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Các đại biểu đã 'hiến kế' nhằm thúc đẩy phát triển KTXH.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Cần có chính sách thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng quan trọng

Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước.

Theo đó, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, KTXH nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh…

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, các đại biểu đề xuất, kiến nghị một số giải pháp. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề xuất một trong những giải pháp là tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đồng bộ kết nối đến tận các vùng nguyên liệu; có chính sách để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp nông thôn bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để tăng đầu tư kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn…

Cùng quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Đồng thời, rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong các dự án trọng điểm quốc gia.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An nhấn mạnh: Cần quan tâm đến vấn đề đầu tư nguồn lực cho chương trình phát triển điện lưới khu vực nông thôn, hải đảo, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

“Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, huy động tối đa các nguồn lực, bố trí, cân đối các nguồn vốn từ đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” - đại biểu Đoàn Thị Lê An nêu ý kiến.

Tương tự, đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị đối với phát triển hạ tầng giao thông cần tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, có giải pháp cụ thể để chủ động về nguồn vật liệu, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, giao thông liên kết vùng.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ phân tích cụ thể hơn tác động của các dự án luật vừa được Quốc hội thông qua có tác động lớn đến các trụ cột tăng trưởng. Đặc biệt đánh giá kỹ về công tác chuẩn bị các văn bản dưới luật để triển khai Luật đất đai và một số luật liên quan đến thị trường bất động sản đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với quy luật thị trường, tháo gỡ các vướng mắc khiến thị trường bất động sản tắc nghẽn và mất cân đối như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng đề nghị Chính phủ phân tích đánh giá kỹ lưỡng hơn về tiến độ thi công các dự án trọng điểm quốc gia; việc huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ kênh trái phiếu Chính phủ…

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp được ĐBQH quan tâm, đề xuất.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp được ĐBQH quan tâm, đề xuất.

Cần gỡ khó về chính sách phát triển nhà ở xã hội

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thì quan tâm đến chính sách phát triển nhà ở xã hội. Theo đại biểu, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thể hiện tính nhân văn sâu sắc, dù đã có nhiều cuộc họp nhằm đẩy mạnh triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhưng đến nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ việc tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn vay từ gói 120 nghìn tỷ đồng.

Đại biểu cho rằng nguyên nhân là thủ tục pháp lý phức tạp, tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay còn khó khăn, vốn đầu tư của nhà đầu tư lớn, lợi nhuận bị khống chế, thời gian triển khai kéo dài… dẫn đến chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.

Do vậy, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai thuận lợi hơn, đẩy mạnh để nhà đầu tư, người mua có nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng. Bố trí thêm từ nguồn lực để đầu tư nhà ở xã hội ở những nơi khó thu hút nhà đầu tư; đa dạng hóa các hình thức nhà ở xã hội, các hình thức thuê, thuê mua để phù hợp với nhu cầu, điều kiện, khả năng của người lao động.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cùng đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhà ở xã hội; có những chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc quy hoạch, xét duyệt quỹ đất; phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu nhà ở xã hội, nhất là với lượng công nhân lao động nhập cư làm việc trong các cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở, chỗ học cho con.

Khắc phục tình trạng thiếu vật liệu xây dựng

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, tình trạng thiếu vật liệu xây dựng cho các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, công trình dân dụng của người dân, làm chậm trễ tiến độ thi công ảnh hưởng đến giải ngân; giá vật liệu đắt đỏ gây bức xúc của người dân.

Theo khảo sát, mỏ cát ở các sông nước ngọt khó có khả năng đáp ứng nhu cầu xây lấp hiện nay. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp cần thiết để khắc phục sớm nhất có thể như tìm vật liệu khác thay thế như cát biển qua xử lý, xỉ than, nhanh chóng thí điểm xây dựng cầu cạn đường cao tốc để rút kinh nghiệm.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang thì đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương chia sẻ nguồn cát cung cấp thi công các dự án cao tốc, hiện tại một số cao tốc chưa đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch; đồng thời nên kiểm tra chất lượng cát biển khi đưa vào sử dụng công trình.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành chuyên môn khi giải tỏa đường cao tốc nên giải tỏa đền bù trọn tuyến nhất là tại những góc tam giác hoặc phần đất của dân trong đường cao tốc. Vì thời gian qua phần đất của dân trong đường cao tốc không sản xuất được, không có nước tưới tiêu; các nhà tạm bợ sẽ làm mất vẻ mỹ quan trên đường cao tốc.

Quý Anh – Linh Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-hien-ke-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-376301.html