Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Sáng nay 1/11, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục thảo luận các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021-2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu tại Quốc hội sáng nay 1/11 - Ảnh: C.N

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu tại Quốc hội sáng nay 1/11 - Ảnh: C.N

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đã tham gia phát biểu về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 và báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, cùng với nhân loại trên thế giới, chúng ta đang đi gần hết chặng đường năm 2023 đầy biến động khi mà chiến cuộc Nga - Ucraina chưa có hồi kết, lửa đang cháy và máu đã đổ trên khắp Dải Gaza, cùng nhiều bất an khác nữa trên thế giới thì mới thấy hết giá trị, trân quý sự bình yên và thành tựu đất nước đạt được như báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội. Đồng thời, đại biểu nêu 3 vấn đề:

Thứ nhất: Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đường bộ cao tốc, phấn đấu đến 2025 có trên 3.000 km, đất nước ta như một đại công trường mà ở đó còn quá nhiều khó khăn, bất cập về vật liệu đắp nền, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ công trình trọng điểm quốc gia. Việc cấp phép khai thác vật liệu từ các địa phương mất quá nhiều thời gian, ngay cả những khu vực mỏ vật liệu quy hoạch được giao cho nhà thầu để thực hiện thì thủ tục cấp phép khai thác cũng rườm rà, rắc rối; tình trạng găm hàng, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng diễn ra nhiều nơi; doanh nghiệp chơi vơi giữa dòng giá, “làm thì lỗ, không làm thì phá sản”.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt giải quyết, song dường như các biện pháp vẫn chưa đủ mạnh và hiệu quả. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo điều chỉnh các định mức phù hợp; hướng dẫn kịp thời, rút gọn, đơn giản thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu; thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, đánh giá tác động để sớm đưa vào sử dụng các vật liệu mới thay thế.

Chúng ta đang nỗ lực để có thêm ngày càng nhiều km đường bộ cao tốc, nhưng quan trọng hơn là hoàn thành đến đâu phải vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả đến đó; thực hiện đúng quy chuẩn của đường bộ cao tốc đúng nghĩa (ít nhất có 4 làn xe và có dải phân cách); nếu không khi thực hiện giai đoạn tiếp theo thì phải phá dỡ nhiều hạng mục giai đoạn 1 đã làm gây lãng phí rất lớn. Tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan được đầu tư theo tư duy, tầm nhìn chật hẹp với 2 làn xe như thế đang phát sinh nhiều bất cập, cử tri gọi tên đây là tuyến “Đường tránh Quốc lộ 1”. Do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chưa đồng bộ về hạ tầng phụ trợ, chưa đầu tư trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu cùng các dịch vụ khác làm cho đường cao tốc không hấp dẫn phương tiện tham gia; việc kết nối các trục đường dọc, ngang với đường bộ cao tốc chưa phát huy bổ trợ lẫn nhau.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần kiểm tra, đánh giá sát đúng thực trạng, những bất cập của hệ thống đường bộ cao tốc hiện có, khẩn trương cho mở rộng những tuyến đường chật hẹp 2 làn xe, chí ít cũng phải thực hiện ngay việc mở rộng, giải phóng mặt bằng; sớm ban hành các quy định, chỉ đạo sát sao về quản lý, khai thác công trình nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Thứ hai: Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) như là giọt nước tràn ly của những tích tụ bất cập lâu nay. Song, thực tế là nhà ở chung cư mini, nhà trọ bình dân tồn tại khách quan và nó là “cứu cánh” về chỗ ở cho công nhân, người lao động, sinh viên nghèo hiện nay. Do vậy, cần giải bài toán thực tế hiện hữu này bằng những biện pháp kỹ thuật cho phù hợp. Bịt chặt kẻ hở trong quản lý là việc cần làm ngay; nhưng nếu siết chặt quá mức cần thiết thì sẽ đẩy người lao động, sinh viên nghèo ra đường khi họ không có điều kiện để ở những căn hộ đáp ứng yêu cầu cao.

Thời gian qua, chúng ta đã cố gắng thiết kế nhiều chính sách hấp dẫn, hỗ trợ cho nhà đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhưng đến nay vẫn rất ít doanh nghiệp mặn mà với nó. Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho nhà ở xã hội mới giải ngân 83 tỉ, nhưng lại ế ẩm hàng ngàn căn hộ không có ai thuê, ai mua. Vì sao vậy? Phải chăng vì nó còn quá xa vời so với khả năng tài chính của người dân thu nhập thấp; người đủ điều kiện mua thì chưa thực sự mặn mà bởi mức giá chưa phù hợp, đặc biệt là vướng quá nhiều thủ tục hành chính; hoặc việc lựa chọn vị trí xây dựng không phù hợp nhu cầu“nơi cần lại không có, nơi có lại không cần”. Đó là một thực tế đáng buồn!

Sự tồn tại cả “núi” thủ tục, cả “rừng” quy định hành chính, cùng với các rủi ro pháp lý khác là nguyên nhân căn bản làm nản lòng nhà đầu tư. Do vậy, cần tháo gỡ ngay nút thắt, điểm nghẽn này thì nguồn lực xã hội mới được giải phóng; chân thành, trách nhiệm đồng hành với doanh nghiệp trong xử lý các vấn đề liên quan, thực sự xem doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là đối tượng “ưu tiên đặc biệt” thì mục tiêu xã hội cao cả này mới có thể trở thành hiện thực.

Đề nghị cần định vị địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn trong sứ mệnh chăm lo về nhà ở xã hội nhưng cần thiết kế cơ chế tham gia của công đoàn với tư cách là một chủ thể pháp lý của một tổ chức chính trị - xã hội với chức năng đại diện, giám sát, phản biện xã hội cho phù hợp; hay cứ nhất thiết phải đứng tách ra với tư cách “ông chủ đầu tư” thì mới có thể làm tốt được sứ mệnh của mình? Đây cũng là điều mà Quốc hội cần cân nhắc thận trọng trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này một cách khoa học và thuyết phục.

Thứ ba: Trong thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế và đã có những kết quả tích cực; nhưng vẫn còn nhiều bất cập như: quỹ bảo hiểm y tế thì kết dư nhưng người bệnh nhất là bệnh nhân tim mạch vẫn phải tự mua thuốc. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương hơn nữa để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này. Tính mạng, sức khỏe của Nhân dân không thể chờ đợi bất cứ sự chậm trễ nào!

Đại biểu Hoàng Đức Thắng tán thành với đánh giá của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 119/2020/QH14 về Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ để Đà Nẵng có thêm điều kiện phát triển xứng tầm với vị trí chiến lược của mình.

Cẩm Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-hoang-duc-thang-tham-gia-thao-luan-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi/181022.htm