Đại biểu Quốc hội: Không nhất thiết xây công trình văn hóa ở bãi nổi sông Hồng

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được chỉnh lý theo hướng quy định rõ Thành phố được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận.

“Tôi thấy Thủ đô Hà Nội không nhất thiết phải sử dụng bãi sông, bãi nổi sông Hồng để xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa. Chỗ khác cũng được chứ đâu cần chỗ này”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm như trên khi tham gia thảo luận Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (Dự thảo) chiều 28/5.

Trước đó, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống; làm rõ định hướng quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống, việc quy hoạch phân khu và quản lý, sử dụng phần bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê; tập trung nguồn lực phát triển bền vững các trục cảnh quan, ưu tiên trục cảnh quan sông Hồng.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo quy định giao UBND TP. Hà Nội thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rõ, đây là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ về cho thành phố, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất nông nghiệp sẵn có nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu quản lý và bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, Dự thảo còn được chỉnh lý theo hướng quy định rõ Thành phố được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Đồng thời giao HĐND Thành phố quy định về thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý và chính sách ưu đãi được áp dụng đối với trung tâm công nghiệp văn hóa.

Quy định này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa mà Thủ đô có nhiều thế mạnh, tận dụng các lợi thế về không gian văn hóa, qua đó phát huy triệt để và đồng đều thị trường văn hóa trên địa bàn Thành phố, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Hòa phân tích, việc xây dựng các công trình công nghiệp văn hóa tại khu vực bãi sông, bãi nổi sông Hồng có thể ảnh hưởng tới dòng chảy của sông. Khi ảnh hưởng xảy ra, rất khó để giải tỏa được các công trình này.

"Tôi thấy Thủ đô Hà Nội không nhất thiết phải sử dụng bãi sông, bãi nổi sông Hồng để xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa. Chỗ khác cũng được chứ đâu cần chỗ này. Nó sẽ ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sinh hoạt của người dân rất lớn", đại biểu Hòa nói.

Cũng quan tâm đến khai thác không gian ven sông Hồng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng nếu làm được thì đây là nơi sinh sống hàng triệu người, song cần hoàn thiện hơn về quy hoạch để khai thác khu vực tiềm năng này.

Vấn đề khác được các đại biểu quan tâm thảo luận là về thẩm quyền đầu tư, dự thảo luật đề xuất cho phép HĐND TP.Hà Nội quyết định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên, đất trồng lúa từ 500 ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên.

HĐND TP. Hà Nội cũng được quyền quyết định dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không giới hạn tổng mức vốn đầu tư. Ngoài ra, Hà Nội còn được quyết định các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất đến 1.000 ha, trồng lúa đến 500 ha sang mục đích khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng Hà Nội nên cân nhắc các đề xuất này. Theo ông thì luật không nên cho phép Hà Nội quyết định các dự án đầu tư chuyển đổi trên 1.000 ha rừng và trên 500 ha đất lúa.

Vì “Thủ đô Hà Nội cần phải có một "lá phổi" tuyệt vời để người dân Hà Nội được hưởng. Cho phép trên 1.000 ha thì là bao nhiêu, có thể là 2.000 ha, 3.000 ha? Trên 1.000 ha mà không có con số xác định là bao nhiêu thì tôi nghĩ ban soạn thảo và Thủ đô Hà Nội cần cân nhắc", theo đại biểu Hòa.

Vị Đại biểu Đồng Tháp cho rằng, chỉ nên quy định thẩm quyền của Hà Nội quyết định các dự án chuyển đổi dưới 1.000 ha rừng và dưới 500 ha đất lúa. Trên mức này thì cần xin cấp có thẩm quyền.

Phân tích thêm, ông Hòa nói, khác với các tỉnh, thành khác, việc xin ý kiến cấp thẩm quyền ở Hà Nội cũng dễ dàng và thuận tiện hơn.

"Hà Nội là Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng ở đây nên tôi nghĩ nếu cần xin ý kiến thì cũng không có gì khó khăn. Không như miền Nam ra Hà Nội phải ra 5 ngày, một tuần lễ để xin ý kiến”, ông Hòa phát biểu.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dai-bieu-quoc-hoi-khong-nhat-thiet-xay-cong-trinh-van-hoa-o-bai-noi-song-hong-d216238.html