Đại biểu Quốc hội: Kích điện bắt giun cần xem là hành vi hủy hoại đất

Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sử dụng điện để kích giun làm suy giảm chất lượng đất, hủy hoại sinh thái môi trường. Vì vậy, cần có quy định rõ, xử lý nghiêm.

"Giun tặc" lộng hành

Tại miền Bắc, nạn đánh kích giun bắt đầu manh nha từ năm 2019, nhưng phát triển tràn lan thời gian gần đây. Nguyên nhân là do có nhiều cơ sở rao thu mua giun đất để làm thuốc hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc (nước này cũng gặp tình trạng nhức nhối trên).

Giun đất được các cơ sở này gọi là “địa long”, thu mua về để sơ chế, phơi khô rồi đem làm thuốc (được quảng cáo là bổ thận, lợi tiểu, thậm chí còn được đồn là ngăn ngừa SARS-CoV-2 trong đại dịch Covid-19 vừa qua). Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, nạn săn bắt giun đất số lượng lớn bằng máy kích điện tái diễn.

Giá thu mua giun sống hiện tại khoảng 20.000-25.000 đồng/kg. Còn giá giun khô (đã sơ chế, sấy khô) khoảng 600.000-700.000 đồng/kg.

Những ngày qua, chị Vũ Thị Hạnh - Chủ vườn cam 1,8ha (trị giá gần 4 tỷ đồng) tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình không giấu được vẻ lo lắng trước nguy cơ mất trắng vườn cam vì "giun tặc".

Chị Hạnh cho biết, chị phải đầu tư thêm hơn một trăm triệu đồng tiền mua lưới B40, chiều cao 1,8 mét, cọc bê tông, cắm chông trong vườn, rào dậu xung quanh và cắt cử người trong gia đình trông 24/24h. Tuy nhiên, mọi biện pháp để ngăn chặn xem ra vẫn không ăn thua. "Giun tặc" dùng nguồn điện 4.500V, chỉ cần dí kích xuống giun bò lên một lúc là chết, cỏ xung quanh gốc cây chết trắng, rễ cam cũng chết như bị dội nước sôi.

Một chủ vườn cam ở Cao Phong phải treo biển "Cấm kích giun"

Một chủ vườn cam ở Cao Phong phải treo biển "Cấm kích giun"

Chỉ tính riêng tại huyện Cao Phong - vùng chuyên canh cam lớn của tỉnh Hòa Bình, trong 6 tháng đầu năm 2023 tình trạng dùng máy kích điện để đánh bắt giun đất trên địa bàn huyện tiếp tục tái diễn làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp. Theo đó, huyện đã xảy ra 19 vụ, 20 đối tượng (18 đối tượng ngoài huyện, 2 đối tượng trong huyện); thu giữ 18 máy kích điện. Tính chung từ năm 2019 đến nay đã xảy ra 36 vụ, 40 đối tượng (31 đối tượng ngoài huyện, 9 đối tượng trong huyện); thu giữ 38 máy kích điện.

Tại tỉnh Tuyên Quang, lực lượng chức năng đã xử lý một cơ sở thu gom, sơ chế giun đất tại thôn Đồng Chậu, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn.

Tại tỉnh Thanh Hóa, xuất hiện tình trạng nhiều người dân sử dụng kích điện đánh bắt giun đất, sấy khô để bán cho các thương lái thu mua, bán sang thị trường Trung Quốc kiếm lời. UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vụ việc đánh bắt, chế biến, tiêu thụ giun đất trên địa bàn tỉnh.

Nhiều tác hại với môi trường

Giun đất gồm nhiều loài, thuộc phân lớp Oligochaeta (phân lớp giun có đai sinh dục), ngành Annelida (ngành giun đốt). Tại nhiều quốc gia, giun còn được nuôi cho mục đích xử lý rác thải. Nhờ giun đất, Australia đã tái tạo được khoảng 20% rác hữu cơ, góp phần giải quyết vấn đề sinh thái và rác thải, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu cho thấy 100-200 gram giun có thể xử lý tối đa 300 kg rác thải.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, mỗi gram đất có tới 6 triệu vi sinh vật sinh sống. Đất tốt hay không do vi sinh vật nhiều hay ít tồn tại trong đó. Riêng giun đất được ví như "lưỡi cày sinh học" của nhà nông, giúp đất tơi xốp; là mắt xích quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng của đất, tạo điều kiện sinh ra các chất hữu cơ có lợi, giúp cây trồng phát triển tốt.

Kích điện giun đất làm giảm độ màu mỡ của đất canh tác, gây ảnh hưởng đến khả năng đến cây trồng và gây suy thoái môi trường. Vì để bắt giun ta cần phải dùng đến nguồn điện cao, nên không chỉ giun mà nhiều loại sinh vật khác trong đất và thảm thực vật xung quanh biến mất.

GS Đỗ Kim Chung - Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân tích: Khi kích điện ngoài giun trưởng thành còn có cả trứng cũng bị diệt sạch. Từ đó hoạt động phân giải hữu cơ bị ngưng trệ, chất khoáng, mùn dần mất đi dinh dưỡng. Nhìn vào thực tế trung bình một nhóm kích bắt giun có thể thu về 100 - 120kg giun mỗi đêm. Nếu tình trạng cứ tiếp diễn, đất sẽ trở nên cằn cỗi, bạc màu, khó canh tác và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của nhân dân.

“Giun cũng là mắt xích của hệ sinh thái, là thước đo độ phì nhiêu của đất. Kích điện để bắt giun đồng nghĩa với việc chặt đứt mắt xích của hệ sinh thái. Điều này tác động nghiêm trọng đến chất lượng đất sản xuất nông nghiệp cũng như môi trường”, GS Đỗ Kim Chung nhấn mạnh.

Cần chế tài nghiêm khắc

Đại biểu Lò Thị Luyến phát biểu tại hội trường Quốc hội

Đại biểu Lò Thị Luyến phát biểu tại hội trường Quốc hội

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 3/11, đại biểu Lò Thị Luyến - Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ lo ngại thời gian gần đây trên địa bàn nhiều tỉnh thành xuất hiện nạn kích điện để bắt giun bán sang Trung Quốc.

Bà Luyến cho rằng hành vi kích điện để bắt giun làm suy giảm hệ sinh vật, vi sinh vật trong đất, suy giảm chất lượng đất, hủy hoại sinh thái môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Bởi nhiều kẻ vào tận ruộng vườn, trang trại của người dân để kích giun Trước vấn nạn này, một số địa phương áp dụng biện pháp xử phạt, nhưng chưa áp dụng thống nhất.

Vì vậy, bà Luyến đề nghị cần củng cố căn cứ pháp lý rõ ràng về hành vi này, để các địa phương có cơ sở ngăn chặn.

Trước vấn nạn này, một số địa phương áp dụng biện pháp xử phạt, nhưng chưa áp dụng thống nhất. Vì vậy, bà Luyến đề nghị cần củng cố căn cứ pháp lý rõ ràng về hành vi này, để các địa phương có cơ sở ngăn chặn.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Nữ đại biểu đoàn Điện Biên đề xuất, bổ sung hành vi "làm giảm hệ sinh vật, vi sinh vật trong đất" cũng là hủy hoại đất, để củng cố căn cứ pháp lý rõ ràng, giúp địa phương có cơ sở ngăn chặn nạn kích điện giun đất.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Ba Đô - Công ty Luật TNHH SJKLAW (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) khẳng định, hành vi dùng kích điện để đánh bắt giun đất tự phát là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại đất. Tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà người dùng xung kích điện để đánh bắt giun tự phát có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi hủy hoạt đất mang đến những hậu quỷ tiêu cực cho đất đai, ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật và cây trồng. Đây là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 1, Điều 12, Luật đất đai năm 2013.

Hủy hoại đất đai là hành vi vi phạm pháp luật, mang đến những hậu quả nặng nề cho công tác quản lý đất đai của nước ta.

Do đó, người thực hiện hành vi hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 150.000.000 đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Ngoài mức xử phạt trên, người vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Luật đất đai nếu người vi phạm là chủ sử dụng đất.

Ngoài ra, theo Luật sư Phạm Ba Đô, các máy xung kích điện để bắt giun phần lớn có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ đơn vị nhập khẩu, bán các loại máy này có thực hiện thủ tục nhập khẩu, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định pháp luật hay không. Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu, kinh doanh trái phép, tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với chế tài nghiêm khắc.

Nhật Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-kich-dien-bat-giun-can-xem-la-hanh-vi-huy-hoai-dat-283328.html