Đại biểu Quốc hội kiến nghị giải quyết sớm vấn đề về kinh tế thể thao

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng trả lời vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập cho vận động viên, trong đó có vận động viên thành tích cao.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết, trước đó Bộ trưởng đã trả lời về vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập cho vận động viên, trong đó có vận động viên thành tích cao, nhưng câu trả lời vẫn là “sẽ nghiên cứu, rà soát, sẽ ban hành” giống như người có thẩm quyền của các nhiệm kỳ trước trả lời. Đại biểu kiến nghị cần có thời gian cụ thể.

Bên cạnh đó, đại biểu đề cập đến 2 khía cạnh, một là có tính dài hạn; hai là tính ngắn hạn. Về dài hạn, kinh nghiệm cho thấy các nước trên thế giới để giải quyết việc làm, thu nhập của vận động viên, người ta không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.

Hiện nay mỗi năm ngân sách Trung ương chi khoảng 900 tỷ cho thể thao bằng cách phát triển kinh tế thể thao, tuy nhiên kinh tế thể thao Việt Nam vẫn là “khuyết và tật”. Đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết chương trình mục tiêu quốc gia trình tại Quốc hội lần này cũng không thấy bóng dáng của kinh tế thể thao.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về vấn đề ngắn hạn, khu liên hợp thể thao quốc gia, nơi có một trong những chức năng rất quan trọng là phục vụ việc tập luyện, đào tạo, thi đấu của vận động viên, đặc biệt là vận động viên thể thao thành tích cao. Sau 5 năm công bố quyết định thanh tra, không những không khắc phục được khó khăn mà khó khăn còn chồng chất hơn rất nhiều.

Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao câu hỏi của đại biểu Lê Hoàng Anh vì nói đúng và trúng vấn đề đang tồn tại của lĩnh vực thể thao.

Bộ trưởng cho rằng, trong thể thao không nên quá khiên cưỡng khi cứ vận động viên thể thao là cứ nhất nhất vào Nhà nước, vì có nhiều người sống được bằng thể thao, không phải làm thể thao người ta ra dạy nghề người ta làm và thông qua hình ảnh của mình, thông qua việc mở các câu lạc bộ, các loại hình khác…

“Vận động viên cũng là công dân, người ta làm được những việc đó. Cho nên, việc đó chúng tôi cũng rất đồng tình cách tiếp cận công việc phải khác”, Tư lệnh ngành Văn hóa, Thể thao và du lịch nhấn mạnh.

Về kinh tế thể thao, Bộ trưởng nói cũng đã đề cập, chứ không phải không có đề cập. Nhưng trong Đề án 06 là đề án thành phần, sau đề án thành phần này khi đã được nhận diện, Quốc hội cho thông qua lúc đó mới thiết kế, đây mới chỉ là tiền khả thi, còn đến khi vào khả thi mới có nội dung này.

“Chúng tôi nghĩ việc triển khai kinh tế thể thao cũng đã có trong luật, nhưng lâu nay chúng ta chưa làm được, bây giờ chúng ta phải tập trung để nghiên cứu, phải sửa đổi chính sách, bổ sung các cơ chế để tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy cho vấn đề này, hoàn thiện các khung pháp lý. Ngay như đua chó, đua ngựa cũng là một loại hình của kinh tế thể thao, nhưng việc đó lại giao cho các bộ khác, không phải bộ chúng tôi nhưng cũng khó làm được, chưa làm được”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Bộ trưởng cũng nói rõ có những việc thấy đúng, nhưng chưa thể làm ngay. Những việc này phải được nghiên cứu, chúng tôi sẽ cố quyết liệt nhất, cố gắng nhất trong thời gian có thể trình được.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Về Khu thể thao Mỹ Đình, sau khi thực hiện kết luận thanh tra của Chính phủ, Chính phủ vào thanh tra năm 2018, đến năm 2021 có kết luận. “Khi tôi lên nhận Bộ trưởng, tôi đã nhận được kết luận này, khi đó chúng tôi đã nỗ lực để tập trung rà soát, xử lý các kiến nghị của thanh tra và tập trung khắc phục. Vừa rồi chúng tôi đã làm, có những việc chúng tôi đã làm xong, có những việc đang làm”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề này.

“Hiện nay, chúng tôi đang làm theo hướng phải cho rà soát quy hoạch, xử lý đất đai, xử lý những tồn đọng và tiếp cận theo hướng Nhà nước đầu tư nhưng phải biết khai thác, sử dụng theo hướng có các đề án cụ thể để trình cho Thủ tướng phê duyệt cho phép, lúc đó chúng ta triển khai mới giải quyết được bài toán căn cơ. Từ vấn đề về nợ thuế đất, từ vấn đề đưa vào sử dụng như thế nào để phát huy theo hướng đầu tư công, quản trị tư để có hiệu quả hơn trong vấn đề chống lãng phí”, Bộ trưởng thông tin.

Cũng liên quan đến lĩnh vực thể thao, Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) chất vấn, mặc dù đã có chủ trương thu hút du lịch qua sự kiện thể thao bằng cách xây dựng khu đường đua công thức một rất hoành tráng, hiện đại. Tuy nhiên, khu này bỏ không, bây giờ giải pháp khai thác vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói rằng, đường đua F1 do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư và triển khai, sau đó do nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau thì không triển khai nữa.

Với tư cách là cơ quan phối hợp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại thời điểm đó chưa đảm trách công việc này nhưng cũng đã phối hợp để bàn giao mặt bằng đất đai để làm và đã thực hiện theo đúng các quy định trong công tác phối hợp.

Đến thời điểm này, để biết chính thức đường đua đó có trở lại hoạt động hay không thì phía Hà Nội sẽ giúp trả lời câu hỏi đó.

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dai-bieu-quoc-hoi-kien-nghi-giai-quyet-som-van-de-ve-kinh-te-the-thao-d216933.html