Đại biểu Quốc hội: Lo lắng khả năng chữa cháy ở các khu ngõ nhỏ, chung cư cao tầng
Trao đổi bên hành lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đại biểu nêu quan điểm về việc nhiều nơi không cho gửi xe điện vì sợ cháy nổ; nguy cơ cháy nổ ở các khu ngõ nhỏ, nhà cao tầng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho: Cần đầu tư thêm phương tiện, thậm chí cả trực thăng để chữa cháy
Về việc nhiều nơi không cho gửi xe điện vì sợ cháy nổ, cần lưu ý đến đặc điểm từng loại phương tiện giao thông. Không nên đánh giá nguy cơ cháy nổ, phân biệt giữa xe điện hay xe chạy bằng xăng, dầu. Cần chú ý tới đặc điểm của từng khu vực, khoảng cách để xe như thế nào, việc trang bị bình chữa cháy ra sao để đảm bảo an toàn mới là quan trọng.
Đặc biệt, các vấn đề khác cũng cần được quan tâm như: Đặc điểm về nhiệt độ, thời tiết ở từng khu vực để có những giải pháp phòng ngừa cháy nổ tốt hơn.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, việc phòng ngừa là yếu tố quan trọng nhất. Đặc biệt, trong quy hoạch về nhà ở, khu dân cư phải đảm bảo an toàn.
Khi có sự việc, vụ cháy xảy ra, công tác tổ chức chữa cháy phải đảm bảo hiệu quả, để hạn chế được thiệt hại. Muốn vậy, cần đầu tư nhiều hơn cho công tác chữa cháy tới tận tuyến cơ sở ở tại các tổ dân phố, khu dân cư. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực đội ngũ chữa cháy ở tuyến cơ sở.
Thực tế hiện nay có nhiều thôn xóm, ngõ, hẻm, là những nơi chưa có quy hoạch về nhà ở; nhiều nơi đường đi, ngõ chật hẹp, cần phải tính đến phương án để các phương tiện chữa cháy có thể vào được. Hay với những tòa nhà cao tầng cũng phải có phương tiện chữa cháy phù hợp.
Vì vậy, cần thiết phải đầu tư thêm hệ thống phương tiện hiện đại như: Xe, thang, thậm chí trực thăng… để hỗ trợ hiệu quả khi có các vụ cháy xảy ra.
Bên cạnh đó, lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy cũng cần được quan tâm hơn nữa. Nhất là các chiến sĩ cần được hưởng chế độ tốt nhất, cao nhất; để giúp họ được nâng cao thể trạng, yên tâm làm việc.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn ĐBQH Thái Nguyên: Bố trí nguồn nước chữa cháy ngay tại các tòa nhà
Các vụ cháy hiện nay thường xảy ra ở các nhà trong ngõ nhỏ và các chung cư cao tầng, với trang thiết bị chữa cháy hiện nay thì rất khó tiếp cận để chữa cháy. Do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy.
Thực tế hiện nay nguồn nước dùng để chữa cháy mới chỉ là nguồn nước riêng biệt và từ các ao, sông, hồ. Trong khi đó, chúng ta chưa tiếp cận được nguồn nước của các gia đình từ trên xuống để xử lý cho vấn đề chữa cháy để linh hoạt và kịp thời.
Giải pháp cho việc này là các nhà ở chung cư nên bố trí một ụ nước hoặc hệ thống vòi nước, dây dẫn, vòi xịt… để xử lý khi xảy ra sự cố cháy. Đồng thời cần khai thác các nguồn nước từ các hộ gia đình đã có, bố trí thêm các vòi nước dự phòng, vòi xịt để xử lý cho kịp thời.
Đại biểu Vũ Hồng Luyến, Đoàn ĐBQH Hưng Yên: Cần nhuần nhuyễn kỹ năng thoát nạn
Hiện nay khu vực các chung cư cao tầng, là nơi tập trung đông dân cư sinh sống, có nguy cơ cháy nổ cao. Nhiều khu chung cư cao tầng được xây dựng từ lâu, hư hỏng nhiều, công tác chống cháy nổ đã không còn đảm bảo, cần các biện pháp để các phương tiện chữa cháy dễ dàng tiếp cận khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Đặc biệt, người dân cần được đào tạo về kỹ năng thoát nạn trong bất kỳ vụ cháy nào, để họ biết cách tự bảo vệ bản thân, người xung quanh, giúp giảm bớt thương vong. Đồng thời, có kỹ năng phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra. Vấn đề này cần được nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn trong Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Cần bổ sung trách nhiệm của các đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; rèn luyện các kỹ năng một cách thường xuyên cho cấp cơ sở, xóm, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình. Kỹ năng thoát nạn không chỉ dừng lại ở việc trang bị về lý thuyết và kiến thức mà phải trở thành một phản xạ tự nhiên của mỗi người dân khi có bất kỳ một vụ cháy, nổ dù lớn hay bé xảy ra.