Đại biểu Quốc hội lo ngại lạm phát khi cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Nhận định áp lực điều hành lạm phát vẫn còn rất lớn, nhất là thời gian tới thực hiện triển khai cải cách tiền lương từ 1/7/2024, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, sáng 6/6, các đại biểu Quốc hội đề nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết định hướng, công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn tỉnh Nam Định) đánh giá, trong thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực kiểm soát chặt chẽ lạm phát và đạt được những kết quả tích cực.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn tỉnh Nam Định) lo ngại lạm phát khi cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn tỉnh Nam Định) lo ngại lạm phát khi cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Tuy nhiên, bà Hoa cũng cho rằng, áp lực điều hành lạm phát vẫn còn rất lớn, nhất là thời gian tới thực hiện triển khai cải cách tiền lương từ 1/7/2024, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng, công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát?

Bên cạnh đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa phản ánh tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất phức tạp, tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra với số lượng lớn người ngộ độc, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp căn cơ gì để giải quyết vấn đề này, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân?

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn tỉnh Thái Bình), thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã rất quyết liệt, có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống kinh tế - xã hội. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết những thách thức và biện pháp khắc phục khi tổ chức, thực thi các giải pháp này.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn tỉnh Thái Bình) nêu câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn tỉnh Thái Bình) nêu câu hỏi chất vấn.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Mai Thị Phương Hoa, về kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình hiện nay sẽ tăng lương, biến động chuỗi cung ứng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề đại biểu nêu rất chính xác vì trong bối cảnh hiện nay, lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu.

“Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trong khi chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương, điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được tỉ số lạm phát mà Quốc hội cho phép”, Phó Thủ tướng thông tin.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để đảm bảo các mặt hàng mà Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.

Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng cho biết, chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Tương tự thời gian qua xử lý biến động giá vàng, với những giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm ổn định giá trị của đồng tiền, đảm bảo các tỉ giá đi đôi với chính sách tài khóa. Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy và đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm. Đồng thời có nhiều chính sách tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Với các giải pháp này mà Chính phủ đã làm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.

Về vấn đề ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần xem xét, rà soát lại các quy định pháp luật, thể chế để, trong đó đang thí điểm cơ quan quản lý liên ngành đối với vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, cần xem xét có quy định, chế tài và pháp lý hóa đối với các chuỗi cung cấp thực phẩm, từ nơi sản xuất, khâu sản xuất, khâu chế biến, khâu vận chuyển và nơi tiêu thụ… Đồng thời cần phải tập trung thanh tra, kiểm tra, tăng cường năng lực đầu tư cho các trang thiết bị để kiểm soát nhanh các tiêu chí đối với an toàn thực phẩm.

“Khi có hệ thống đồng bộ, được đầu tư bài bản, đủ năng lực về trang thiết bị để có thể giám sát và kiểm tra, chúng ta hoàn toàn đáp ứng được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lo-ngai-lam-phat-khi-cai-cach-tien-luong-tu-172024-171799.html