Đại biểu Quốc hội: Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn hạn chế
Kinhtedthi - Sáng 1/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV bắt đầu phiên thảo luận tại hội trường về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm, bàn giải pháp cho những tháng cuối năm 2022.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong 2 ngày 01/6 và 02/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Tiếp nối kết quả thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm đã nêu trong các Báo cáo thẩm tra đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chú trọng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
Trong phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) đánh giá kết quả thực hiện kinh tế-xã hội Quý IV 2021 và những tháng đầu năm 2022 có bước phát triển khởi sắc hơn, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán, lạm phát được kiểm soát, xuất siêu đạt 4 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả ấn tượng, tăng trương 25,2%.
Theo đại biểu, những kết quả đạt được nêu trên rất đáng trân trọng, nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn cần còn có các kịch bản để thích ứng với tình hình chính trị, kinh tế của thế giới và khu vực.
Đại biểu chỉ ra, xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam, năm 2021 đóng góp 74% tổng kim ngạch xuất khẩu, điều này phản ánh xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng cũng tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế. Nhiều nước lớn đang có xu hướng bảo hộ thương mại cũng như sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Chúng ta vui mừng vì xuất khẩu nhiều loại linh kiện điện tử, điện thoại, đồ gỗ, nhưng thị phần xuất khẩu và tỷ trọng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều được thực hiện bởi các DN FDI…
Điều này phản ánh năng lực cạnh tranh của các DN còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa DN trong nước và DN FDI. Những DN trong nước chưa đủ mạnh để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó nếu DN không nhanh chóng có sự phát triển, nền kinh tế dễ bị tổn thương nếu chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
"Cần khuyến khích các DN trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao. Các trường ĐH, cao đẳng, các địa phương cần có chương trình đào tạo lao động với các ngành nghề kinh tế số, kĩ thuật số, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, công nghệ chế tạo và tiến hành rà soát chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng của DN FDI, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo DN FDI sử dụng đúng nguồn lực để đảm bảo các cam kết đầu tư"- đại biểu nêu giải pháp.
Đồng thời góp ý, du lịch đang phục hồi, là động lực phát triển kinh tế cho nhiều địa phương, nên chú trọng chính sách hỗ trợ phát triển DN như visa thông thoáng, tạo thuận lợi cho du khách nước ngoài đi lại, mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam, thúc đẩy du lịch ra nước ngoài…
Nghị quyết được thông qua khẩn trương, nhưng triển khai tiến độ rất chậm
Cũng đưa ra các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đề cập đến vấn đề chậm giải ngân, thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 theo Nghị quyết của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỉ đồng.
Đại biểu làm rõ 5 vấn đề góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn để nền kinh tế phát triển bền vững hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện tốt hơn:
Đại biểu cho rằng, khi thảo luận thông qua Nghị quyết này một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất nhưng có vẻ chưa qua được vòng thủ tục, tiến độ rất chậm. Mặc dù có cơ chế đặc thù nhưng giải ngân vốn chậm và không đạt kế hoạch.
Thứ hai, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.
Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85 %, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách Nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay phải chịu lãi suất phí quản lý, do đó, vấn đề giải ngân chậm tiến độ, chậm sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn. Việc tăng cường kiểm soát chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về việc triển khai chậm trễ này là việc làm cần thiết để các quyết sách của Nhà nước thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.
Thứ ba, có một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin. Đại biểu cho biết, cử tri thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường.
Thứ tư, các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô Metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến đường cao tốc trục ngang lên vùng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, trung du miền núi phía bắc. Đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, cần khẩn trương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thiết kế, dự kiến cân đối các nguồn lực nhà nước trong trung, dài hạn và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng giao thông hiện đại.
Thứ năm, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong cả nước có đường biên giới giáp với hai nước Lào và Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu đưa Điện Biên trở thành cửa ngõ kết nối khu vực Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, khu vực Đông Bắc Thái Lan và Tây Nam Trung Quốc phát triển hành lang kinh tế Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên theo Nghị quyết số 11 ngày 10 tháng 2 năm 2022 của Bộ Chính trị, bên cạnh việc mở rộng, nâng cấp sân bay Điện Biên, đại biểu đề nghị Chính phủ cho phép dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang được triển khai thực hiện trước năm 2030.
Ngoài ra, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ quan tâm cho phép phân bổ số vốn còn lại trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 1.689 tỷ đồng di dân, tái định cư, ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La.
Theo đại biểu, đây là những vấn đề góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn để nền kinh tế phát triển bền vững hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện tốt hơn.
Đề nghị lập Hội đồng cấp quốc gia về tự chủ đại học
Đề cập đến vai trò của đại học đối với phát triển bền vững, thịnh vượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo quốc gia, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, tự chủ đại học, hợp tác giữa nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp; kiểm định chất lượng giáo dục đại học; triển khai sâu rộng quản trị đại học tiên tiến; phát triển sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản trị đại học… có vai trò rất quan trọng.
Đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng, thời gian qua, tự chủ đại học đã thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước với nhiều kết quả tích cực; làm thay đổi và phát triển nhanh chóng các trường đại học nhưng vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần được xem xét một cách tổng thể và kịp thời tháo gỡ.
"Trong thời gian tới, chúng ta cần có khung pháp lý rõ ràng về vai trò chỉ đạo, quản trị và điều hành giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu nhà trường để tránh sự chồng chéo và tạo ra xung đột không đáng có, đồng thời quy định rõ trách nhiệm giải trình"- đại biểu nêu. Đồng thời khẳng định, "tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình" là hai mặt không thể tách rời, thiếu trách nhiệm giải trình sẽ dễ biến tự chủ thành tự trị.
Đại biểu nêu rõ, có hai công cụ quan trọng để thực hiện trách nhiệm giải trình, đó là kiểm định chất lượng giáo dục và công khai, minh bạch thông tin hoạt động của trường đại học. Cùng với đó, nhấn mạnh, tự chủ đại học là một vấn đề liên ngành, liên bộ, đại biểu đề nghị, để tạo ra sự đột phá trong tự chủ đại học, Chính phủ nên cân nhắc lập một Ủy ban hoặc một Hội đồng cấp quốc gia về tự chủ đại học để giải quyết triệt để các vướng mắc và tạo ra động lực giúp các trường đại học tự chủ thực chất.