Đại biểu Quốc hội: Phòng cháy phải tốt hơn chữa cháy

Chiều 19/6, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), đại biểu Quốc hội cho rằng, phòng cháy quan trọng hơn chữa cháy và phòng cháy phải tốt hơn chữa cháy.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: H.T

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: H.T

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật PCCC&CNCH; đồng thời cho rằng, thực tế chúng ta mới xây dựng các quy định về biện pháp chữa cháy, còn các quy định về phòng cháy như thế nào cho hiệu quả còn chung chung, chưa cụ thể.

Dẫn chứng về các vụ cháy gây chết nhiều người tại quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và Hoàng Mai vừa qua, đại biểu Nguyễn Hữu Chính khẳng định, phòng cháy quan trọng hơn chữa cháy và phòng cháy phải tốt hơn chữa cháy.

Tại Điều 8 Dự thảo Luật PCCC&CNCH quy định MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện pháp luật về PCCC&CNCH; vận động, giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện pháp luật về PCCC&CNCH, hỗ trợ giải quyết hậu quả sau các vụ cháy, sự cố, tai nạn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, công tác PCCC cũng như tuyên truyền về PCCC đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm mỗi người dân, mỗi gia đình chứ không riêng gì MTTQ. Thực tế các vụ cháy xảy ra cho thấy, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng cứu hỏa thì không thể dập tắt đám cháy được, mà có sự giúp sức của các tầng lớp Nhân dân.

“Vì thế, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để tuyên truyền, chung tay trong công tác PCCC&CNCH mới hiệu quả được” – đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quốc hội

Quan tâm đến những nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Lê Hữu Trí, đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có tới 25 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa. Các đại biểu lưu ý, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản, quy định chi tiết những nội dung đã chín muồi, rõ ràng ngay trong Luật để đảm bảo tính khách quan, thống nhất.

Về thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ, quy định tại Điều 14 là cần thiết, tuy nhiên, cần xem xét lại một số tiêu chuẩn kỹ thuật được cho là cao hơn cả tiêu chuẩn châu Âu, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại biểu chỉ ra một thực tế, các vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng thường xảy ra tại khu dân cư xuống cấp, nhà trọ, cơ sở kinh doanh karaoke, tập trung ở những ngõ nhỏ, đường hẹp. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn thường ít xảy ra cháy hơn và có khả năng phòng cháy chữa cháy tốt hơn. Do vậy, đại biểu kiến nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để có quy định phù hợp với từng loại hình, địa điểm cụ thể. Đối với nhà ở, cần bổ sung quy định chi tiết hơn về nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà cho thuê trọ để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, tránh xảy ra các vụ cháy thương tâm như thời gian qua.

Về kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, Điều 56 quy định: Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy phải có cá nhân chủ trì, tham gia hoạt động kinh doanh được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với hoạt động kinh doanh. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, chứng chỉ nghề rất quan trọng, liên quan đến quyền công dân khi tham gia hoạt động nào đó. Do vậy, các quy định về chứng chỉ hành nghề sẽ phải được quy định cụ thể trong luật, về đối tượng, điều kiện được cấp, thời hạn được cấp, thời hạn đổi… Việc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, hồ sơ, thời hạn, thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề về phòng cháy và chữa cháy; xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy là chưa phù hợp, chưa đúng tinh thần của luật…

Sáng 19/6, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo đó, dự thảo luật gồm 9 chương, 65 điều. Trong đó, dự luật dành 1 chương về phòng cháy. Cụ thể, dự luật bên cạnh việc kế thừa đã bổ sung các quy định mới để khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy.

Quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.

Dự thảo luật đã bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an là cơ quan thường trực soạn thảo đã tổ chức thực hiện việc xây dựng dự luật theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật báo cáo Chính phủ thống nhất trình Quốc hội.

Liên quan quy định về chữa cháy, bộ trưởng Bộ Công an cho hay tiếp tục kế thừa quy định của luật hiện hành, có chỉnh lý, bổ sung một số quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và nâng cao hiệu quả hoạt động chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Về cứu nạn cứu hộ đã quy định phạm vi hoạt động cứu nạn cứu hộ của lực lượng, tổ chức, quyền, trách nhiệm của người chỉ huy.

Cùng với đó, huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia, xây dựng, thực tập phương án, trách nhiệm, ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn cứu hộ.

Về xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, dự luật đã chỉnh lý, bổ sung các quy định liên quan đến xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, bộ trưởng nói dự luật đã bổ sung các quy định về phương tiện cứu nạn cứu hộ, và chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về phương tiện phòng cháy chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ quy định về huấn luyện, bồi dưỡng, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-phong-chay-phai-tot-hon-chua-chay-384980.html