Đại biểu Quốc hội: 'Rất nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản'
Thảo luận ở hội trường sáng 1/11, việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã làm nóng nghị trường Quốc hội. Có đại biểu cho rằng 'địa phương phải hỏi Trung ương, tỉnh phải hỏi Bộ trưởng, rất nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản', do đó, cần rà soát kỹ các nội dung cụ thể.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...
Tranh luận với một số ý kiến cho rằng hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều bất cập, chồng chéo và khó thực hiện, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, thực hiện ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở tại các kỳ họp trước đây, Nghị quyết 101 của Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đã có báo cáo tại kỳ họp này.
Qua kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều. Hầu hết các các nội dung còn lại qua rà soát được chỉ ra là có bất cập do được ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng có nội dung được cho là vướng mắc, song thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ hoặc chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật.
Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, gần 70% nội dung được phát hiện có bất cập, vướng mắc trong luật và thuộc các dự án luật đã có ở trong chương trình, tại kỳ họp lần này cũng có rất nhiều nội dung đã được trình Quốc hội như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... Trong các nội dung đó, các nội dung của văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo và vướng mắc, bất cập có một số nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, có trường hợp chưa kịp thời cập nhật nội dung sửa đổi của các văn bản cơ quan nhà nước cấp trên.
Tuy nhiên, cũng có một số nội dung nhận định là chưa chính xác, một số nội dung vướng mắc, bất cập là do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và một số nội dung, một số nhận định là vướng mắc, bất cập nhưng thực chất là vấn đề quan điểm chính sách.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Trường Giang về vấn đề rà soát, xử lý các văn bản QPPL còn chồng chéo, đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, cho biết, tháng 6 năm 2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 101, đây là Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5, trong đó có nội dung rà soát để xem xét nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng trì trệ, không dám làm của các cán bộ.
Bên cạnh việc sợ trách nhiệm không dám làm, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, còn có nguyên nhân khác là do quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, trong khoảng thời gian rất ngắn (từ tháng 7 đến tháng 9), các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai và rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp, chủ yếu ở lĩnh vực luật, Nghị định, Thông tư chưa có văn bản của các địa phương. Qua kết quả rà soát, tỷ lệ chồng chéo có nhưng không cao.
Đại biểu cho rằng, chưa nhìn nhận được nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ không dám làm và pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, “địa phương phải hỏi Trung ương, tỉnh phải hỏi Bộ trưởng, rất nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản”. Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị cần rà soát kỹ các nội dung cụ thể.
Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, qua giám sát, có thực trạng là hiện nay, có một số vấn đề, quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất giữa cán bộ thi hành với người giám sát.
Đại biểu lấy ví dụ, đối với việc xác định giá trị đất đai trong các vụ án, sai phạm, có những trường hợp xác định giá trị tại thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm cần xác định giá trị thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc. Đại biểu cho rằng, việc không thống nhất trong cách hiểu pháp luật chính là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai, không dám làm.
Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, cần rà soát, nghiên cứu, đảm bảo thống nhất cách hiểu các văn bản pháp luật, đồng thời, trong công tác xây dựng pháp luật, cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, hiểu và tuân thủ pháp luật một cách nhất quán.
Cho ý kiến về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Tao Văn Giót - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho biết, qua rà soát 523 văn bản cho thấy phần lớn văn bản bảo đảm đồng bộ khả thi. Tuy nhiên cũng có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo. Từ kết quả rà soát cho thấy việc sớm nghiên cứu sửa đổi văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập là cần thiết.
Đại biểu Tao Văn Giót đề nghị đối với các dự án luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 7 như là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá tài sản, đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo ngay việc dự thảo các nghị định từ bây giờ, để khi luật thông qua nhưng còn thời gian chờ để có hiệu lực và ban hành các hệ thống văn bản hướng dẫn rất nhiều, nhất là đối với đợt Luật Đất đai.
Đối với các dự án luật chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024, đại biểu Tao Văn Giót đề nghị Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật trong năm 2024. Đại biểu chỉ rõ những Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật, Luật Trồng trọt, Luật An toàn thực phẩm mặc dù những nội dung vướng mắc là không nhiều nhưng chỉ cần vướng một nội dung là vướng hết tất cả các khâu, nhất là Luật Lâm nghiệp.
Đối với các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có hoặc chưa có trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 thì bổ sung và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đại biểu Tao Văn Giót cũng nhấn mạnh nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các chính sách là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Trong đó, cần quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác pháp chế, nhất là các cơ quan ở Trung ương đủ tầm tham mưu…