Đại biểu Quốc hội: Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giúp thực hiện tiến bộ công bằng xã hội
Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương nêu rõ việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội.
Chiều 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Thực hiện tiến bộ công bằng xã hội
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.
Về khái niệm bạo lực gia đình, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm, cụ thể: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình.
Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định: "Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng". Đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng như vậy là rất phù hợp, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ "thành viên gia đình" để áp dụng trong phạm vi luật này, khái niệm cần làm rõ các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Ngoài ra, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung tại Điều 3 Giải thích từ ngữ về khái niệm "người có nguy cơ bị bạo lực gia đình" nhằm giúp các cá nhân, tổ chức, cơ quan trợ giúp có thể xác định được những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình để có cơ hội chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa bạo lực một cách tập trung và chủ động.
Vấn nạn bạo lực gia đình vẫn đang diễn biến nghiêm trọng
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Chamaleá Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, trong những năm qua Nhà nước ta có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng thực tế hiện nay, vấn nạn bạo lực gia đình vẫn đang diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng đến các quyền của con người.
Đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); cho rằng dự thảo Luật lần này đã bổ sung những quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc ngăn ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình như: thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn hòa giải, các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình, quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, các biện pháp để ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình…
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định như dự thảo luật là rất cần thiết và phù hợp với mục tiêu phòng, chống bạo lực gia đình.
Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong phòng, chống bạo lực gia đình và để các quy định trên có thể thực hiện trong thực tế, đại biểu Chamaleá Thị Thủy cho rằng, chúng ta cần phải có một cơ chế phù hợp để đảm bảo thực hiện. Cụ thể là phải đảm bảo được nguồn lực về tài chính và nhân lực để thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải có đánh giá tác động kỹ hơn về các quy định của dự thảo Luật này và có giải trình cụ thể hơn về tính khả thi đối với các nội dung này.
Đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, mục đích của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình. Xã hội đang mong muốn nhiều hơn là làm sao để xây dựng gia đình mới hạnh phúc, duy trì hạnh phúc gia đình đang có, hàn gắn các rạn nứt trong hôn nhân và cuối cùng mới là chữa lành các vết thương về thể xác và tinh thần của các thành viên trong gia đình đang có bạo lực trước hôn nhân đổ vỡ.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, sửa đổi luật theo hướng này, mỗi cá nhân sẽ tìm thấy trong luật, hạnh phúc của mỗi gia đình sẽ được quan tâm hơn, các nội dung sẽ mang đậm hơi thở của cuộc sống.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được mở rộng phạm vi, nội dung mới là các biện pháp xây dựng gia đình hạnh phúc, nội dung phòng chống bạo lực gia đình sẽ được mở rộng hơn nhiều như Quốc hội đang thảo luận. Nội dung chống bạo lực sẽ là một chương cuối của luật. Luật mở rộng sẽ có tên là Luật Xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Nếu luật được mở rộng, các biện pháp để bảo đảm quyền, trách nhiệm của các thành viên phù hợp thực tiễn các văn bản dưới luật sẽ được đưa vào luật mới. Nếu có giám sát pháp luật về gia đình thì Quốc hội chỉ tập trung vào hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp luật mới. Các nội dung trong các luật có liên quan sẽ được dự định giữ ổn định lâu dài.