Đại biểu Quốc hội: Sửa luật để xóa bỏ tư duy không buôn gì lãi như buôn đất
Chiều 23/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Làm sao để người nghèo không nghèo thêm vì bất động sản
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nêu lên thực tế, thị trường bất động sản lên xuống, luôn rình rập yếu tố rủi ro. Nếu chính sách của nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế.
Vì vậy, chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng nhưng hiện nay chúng ta chưa điều tiết được thị trường này.
Theo đại biểu, cử tri yêu cầu lần sửa đổi Luật lần này phải làm sao để "xóa bỏ tư duy không buôn gì lãi bằng buôn đất”, "làm sao để người nghèo không nghèo thêm vì bất động sản"; "làm sao để các thế hệ sau của chúng ta không trở nên vô vọng với ước mơ có được một ngôi nhà để ở"…
Từ thực tiễn đó, đại biểu cho rằng cần điều tiết, cơ cấu lại thị trường bất động sản hợp lý, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Cùng đó, cần bảo đảm quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, đưa ra "liều thuốc" hữu hiệu để ứng phó kịp thời, chủ động với căn bệnh mãn tính của thị trường bất động sản, đó là "sốt nóng", "cảm lạnh" đến "đóng băng" trong nhiều năm qua.
Dẫn ví dụ từ việc Singapore đã dùng công cụ thuế để điều tiết thị trường bất động sản một cách có hiệu quả, vị đại biểu đoàn Hà Nam cho rằng, đây cũng là một giải pháp cần nghiên cứu.
Thêm điều kiện bảo vệ người mua bất động sản
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, không ít chủ đầu tư bất động sản có vốn sở hữu rất thấp, chủ yếu là vốn của ngân hàng. Khi có sự cố xảy ra, người mua và ngân hàng bị thiệt hại.
Do đó, ông Hòa đề xuất dự thảo Luật cần có quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản để biết rõ năng lực tài chính của nhà đầu tư, bảo về quyền lợi bên mua, thuê nhà.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho rằng, quy định chủ đầu tư phải có vốn không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư dự án dưới 20ha và không thấp hơn 15% vốn đầu tư trên 20ha, cần làm rõ là cho từng dự án hay tổng các dự án chủ đầu tư thực hiện.
"Nếu chủ đầu tư thực hiện nhiều dự án khác nhau cùng lúc, mà quy định như sẽ rất khó thực hiện", ông Hòa nhìn nhận.
Còn đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, điều kiện để tổ chức được kinh doanh bất động sản hiện nay vừa không thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, vừa không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến bỏ sót nhiều tổ chức tuy không đủ điều kiện nhưng vẫn được kinh doanh bất động sản.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật về điều kiện đối với tổ chức kinh doanh bất động sản là: "Không trong thời gian đang bị cấm kinh doanh, đang bị cấm huy động vốn hoặc đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn".
Trả tiền cọc nếu chủ đầu tư chậm bàn giao nhà
Về điều kiện nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần quy định các công trình xây dựng trên đất có hình thức sử dụng đất được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì được phép bán, cho thuê; còn trả tiền cho thuê hàng năm thì chỉ được cho thuê, không được bán. Như vậy, sẽ bảo vệ quyền lợi của người mua khi nhà nước thu hồi đất.
"Thời gian qua, không ít trường hợp chủ đầu tư thuê đất trả tiền hằng năm, đất chưa chuyển mục đích, đất chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, xây dựng nhà ở, công trình sai quy hoạch, thiết kế, cũng quảng cáo bán rầm rộ khiến người dân hiểu lầm đến lúc mua xong bị vướng, không làm thủ tục chuyển nhượng được", ông Hòa nêu ví dụ.
Đối với quy định tiền cọc, đại biểu Hòa cho biết, cần nghiên cứu khi đã giao nhận tiền đặc cọc lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo có cần quy định trong luật hay là để hai bên tự thỏa thuận.
"Ngoài ra cũng cần quy định, trường hợp khách hàng hủy hợp đồng ký kết có mất tiền đặc cọc không, hay chủ đầu tư chậm bàn giao nhà mà đã nhận tiền cọc và tiền các lần tiếp theo, hoặc không bàn giao nhà chỉ mãi hứa có bị phạt hay hủy hợp đồng không để bảo đảm quyền lợi của khách hàng", đại biểu Hòa đề xuất.
Quy định chặt chẽ về sàn giao dịch bất động sản
Đại biểu Hòa cho biết, quy định mọi giao dịch mua bán, cho thuê nhà ở đều phải qua sàn giao dịch là chưa hợp lý. Nên để hai bên tự thỏa thuận như hiện hành, hạn chế tình trạng lợi dụng pháp luật để độc quyền, cấu kết nhau để trốn thuế làm cho thị trường bất động sản nhiều rủi ro, tăng chi phí cho khách hàng.
“Theo tôi, chỉ nên quy định khuyến khích mà không bắt buộc phải giao dịch qua sàn, đồng thời, sàn giao dịch phải chịu trách nhiệm pháp lý khi cung cấp thông tin không đủ, đúng cho khách hàng”, ông Hòa nói.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, dự thảo Luật đã để lọt 2 nhóm đối tượng cũng phải bị cấm quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản.
Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung điều kiện của người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản theo hướng: Có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học và chứng chỉ hành nghề; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Không đang trong tình trạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án về tội phạm trong hoạt động hoặc liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; Không đang bị tạm giữ chứng chỉ hoặc tước chứng chỉ.