Đại biểu Quốc hội thảo luận hai phương án quyền sử dụng đất của người Việt ở nước ngoài
Chiều 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề cập đến quy định về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Một điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này chính là dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước. Giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam). Trên cơ sở các ý kiến này và ý kiến của Chính phủ, dự thảo luật thiết kế 2 phương án.
Phương án 1, tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Phương án 2 giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Về nội dung này, phát biểu tại phiên thảo luận chiều 3/11, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, với người có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài vẫn có quyền lợi như người quốc tịch Việt Nam ở Việt Nam, còn các trường hợp khác thì không được quyền lợi. Đại biểu không đồng tình với việc người gốc Việt Nam, không có quốc tịch Việt Nam, nhưng được hưởng quyền lợi về đất đai như người Việt Nam. Theo đại biểu, nếu đã bỏ quốc tịch Việt Nam thì sẽ không thể được hưởng quyền lợi ngang bằng với những người giữ quốc tịch Việt Nam.
Còn Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, điểm c khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư và Nhà nước phải thu hồi đất để cho thuê, nhưng một số dự án có mục tiêu hoạt động không thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội như quy định tại Điều 62 Luật Đất đai hiện hành và Điều 79 dự thảo Luật. Do vậy, chính quyền địa phương không có cơ sở thu hồi đất để giao cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuê. Đồng thời, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng không được trực tiếp thỏa thuận bồi thường với người dân để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, dẫn đến dự án bị bế tắc, cũng như tạo sự không thống nhất trong chính sách và thực thi pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị chọn phương án 2: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền chuyển nhượng, quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) bày tỏ tán thành với hồ sơ dự án Luật; đồng thời, nhấn mạnh đây là dự án Luật khó, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, có tác động đến mọi tầng lớp nhân dân… Qua nghiên cứu, cơ quan soạn thảo đã hết sức nỗ lực tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Về quy định tại khoản 3 Điều 4 về người sử dụng đất, đại biểu bày tỏ ủng hộ phương án 1 như Chính phủ trình là sửa thành “Cá nhân là công dân Việt Nam”. Bởi theo khoản 1, Điều 5 Luật Quốc tịch có quy định: Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam. Do vậy, dù ở trong nước, hay ở nước ngoài, người có quốc tịch Việt Nam vẫn là công dân Việt Nam, họ vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đầy đủ của một Công dân Việt Nam.
“Hơn nữa, việc mở rộng đối tượng này còn có thể thu hút được chất xám và đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Họ luôn luôn hướng về Việt Nam, mong muốn cống hiến cho quê hương. Do vậy, việc lựa chọn phương án 1 mở rộng đối tượng này thành Công dân Việt Nam tại khoản 3 Điều 4 để họ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai là phù hợp”, Đại biểu Lưu Bá Mạc nêu ý kiến.