Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng không nhân dân

Sáng nay, 27/6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình thảo luận và biểu quyết thông qua các luật. Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về dự thảo Luật Phòng không nhân dân (PKND).

Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Minh Tâm thảo luận về dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Minh Tâm thảo luận về dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật trên cơ sở những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn đã được Chính phủ nêu tại tờ trình trình Quốc hội. Các nội dung trong dự thảo luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, để hoàn thiện luật, đồng chí Nguyễn Minh Tâm có một số ý kiến góp ý, gồm: Về phạm vi điều chỉnh (PVĐC) của luật, trích dẫn Điều 18 dự thảo luật quy định nội dung hoạt động PKND và nội dung PVĐC dự thảo luật, đồng chí nêu câu hỏi, với cách quy định PVĐC như dự thảo luật phải chăng là có sự trùng lắp về nội dung, do đó ý kiến đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi PVĐC luật, chỉ quy định: Luật này quy định về tổ chức, xây dựng, huy động lực lượng và hoạt động PKND.

Tại khoản 4, Điều 28 quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “và Bộ Công an” sau cụm từ “theo quy định của Bộ Quốc phòng” để tương thích với quy định về thẩm quyền của Bộ Công an được quy định tại khoản 3. Theo quy định, Bộ Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho các cơ quan thuộc quyền quản lý, do đó việc tổ chức, cá nhân khi thử nghiệm thực tế tính năng bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải tuân thủ các quy định của Bộ Công an là cần thiết và phù hợp.

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị sửa lại khoản 1; cân nhắc việc bãi bỏ một số quy định tại khoản 2, Điều 53 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan PKND. Để làm rõ nội dung này, đồng chí nêu nội dung khoản 7, Điều 2 dự thảo Luật PKND về giải thích từ ngữ. Cụ thể: “Phương tiện bay siêu nhẹ là các vật thể bay mà không phải là tàu bay không người lái, bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian), mà khi bay có khả năng làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và an toàn hàng không”.

Ý kiến bày tỏ sự băn khoăn nếu bãi bỏ khoản 2, Điều 21, Luật Hàng không dân dụng thì khái niệm “mô hình bay”, “khí cầu” sẽ không còn. Được biết, 2 thuật ngữ “mô hình bay”, “khí cầu” được sử dụng trong dự thảo Luật PKND hiện chưa được giải thích tại một văn bản pháp luật nào khác. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi và quá trình áp dụng luật thuận tiện, thống nhất đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, nên chăng quy định giải thích 2 cụm từ “mô hình bay”, “khí cầu” tại Điều 2 dự thảo luật này.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202406/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-phong-khong-nhan-dan-2219104/