Đại biểu Quốc hội: 'Tiến độ dự án Sân bay Long Thành quá chậm'
Dự án giải tỏa mặt bằng của 'công trình thế kỷ' Sân bay Long Thành sẽ chậm ít nhất là 3 năm so với tiến độ đề ra. Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại khả năng ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội địa phương.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã đề nghị kéo dài thời gian triển khai Dự án “Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành” đến năm 2024, tức là chậm 3 năm so với tiến độ đề ra.
Nhiều đại biểu cho rằng tiến độ này là rất chậm và cần đánh giá khả năng ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội địa phương.
Chậm một cách ‘đáng báo động’
Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội chiều 27/10, Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên bày tỏ sự chia sẻ với Chính phủ khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 nhưng để chậm trễ đến 3 năm thì là một điều “rất đáng báo động.”
Mặt khác, theo đại biểu, Thủ tướng cũng đã nhiều lần đích thân đến tận công trình để chỉ đạo, đôn đốc, giải quyết khó khăn nhưng tiến độ triển khai vẫn còn rất chậm. Đó là vấn đề rất lớn liên quan đến hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước.
Liên quan đến nội dung điều chỉnh về vốn, theo tờ trình, tổng mức đầu tư Dự án kiến nghị điều chỉnh là 19.207,504 tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến thời điểm hiện nay là 16.697,132 tỷ đồng. Nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện, hoàn thành Dự án là 2.510,372 tỷ đồng (trong đó bao gồm 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020). Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn hơn 2.510 tỷ đồng đến hết năm 2024.
Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng Chính phủ cần phải báo cáo Quốc hội ngay trong năm 2021, chậm nhất là năm 2022 khi đánh giá về khả năng không đạt tiến độ giải ngân chứ không phải là để đến bây giờ mới báo cáo Quốc hội.
“Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc ‘thay đổi tư duy, cách làm xứng tầm với dự án trọng điểm quốc gia’, và đề nghị làm rõ trách nhiệm khi dự án này triển khai chậm trễ tiến độ. Do đó, tôi và cử tri rất mong muốn được biết các cơ quan liên quan đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đến đâu,” bà Tạ Thị Yên nhấn mạnh và nói thêm rằng cần giải trình cụ thể trách nhiệm của cá nhân và tổ chức có liên quan trong tổng thể đánh giá việc thực thi pháp luật.
Cùng chung quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên-Huế) cũng nhận xét dự án này đã quá chậm bởi theo Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội thì dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2021.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng Chính phủ cần tính toán tiến độ giải quyết tái định cư, ổn định đời sống của người dân và xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công khi để dự án kéo dài như vậy.
“Tại Đồng Nai, sau khi trả lại mặt bằng ‘sạch’ cho dự án, người dân chưa được định cư ổn định. Điều này cần được xem xét kỹ, sớm ổn định đời sống người dân ở khu vực bị thu hồi đất,” đại biểu tỉnh Thừa Thiên-Huế nêu ý kiến.
Gây nhiều hệ lụy
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng dự án Sân bay Long Thành là một dự án trọng điểm quốc gia và Đại biểu Quốc hội khóa XIV quyết định là cho giải phóng mặt bằng một lần, hoàn thành vào năm 2021.
Hiện tại, Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục xin kéo dài thêm cho đến năm 2024 thì có nghĩa là riêng khâu giải phóng mặt bằng của dự án đã chậm ít nhất là 3 năm so với kế hoạch.
“Tiến độ này sẽ gây rất nhiều hệ lụy đến kế hoạch hoàn thành dự án chung của Quốc hội, Chính phủ và chắc chắn sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, nhất là khi Cảng Hàng không Long Thành là một trong những dự án hạ tầng quan trọng phía Nam,” Đại biểu Hoàng Đức Thắng khẳng định.
Đại biểu tỉnh Quảng Trị bày tỏ lo ngại về đề xuất kéo dài dự án này: “Chúng ta chỉ còn 2 năm nữa để giải phóng mặt bằng, trong khi đó, khối lượng công việc là rất lớn và khó khăn.”
Đại biểu vẫn đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận rằng ngoài tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2021-2022 thì cũng có những nguyên nhân chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Vì vậy, theo ông Thắng, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương muốn giải phóng mặt bằng nhanh thì cần nỗ lực rất lớn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vấn đề này, Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng kiến nghị của Chính phủ trong dự án này là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng việc giải phóng mặt bằng chậm sẽ kéo theo nguy cơ tổng thể dự án có thể bị chậm tiến độ. Để khắc phục vấn đề này thì phải khắc phục tiến độ xây dựng các dự án song song, triển khai đồng thời ngay khi có mặt bằng.
Theo ông Hoàng Văn Cường, trong dự án thành phần của dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư, phần chưa hoàn thành theo báo cáo của Chính phủ chủ yếu là công trình hỗ trợ tái định cư bên ngoài, không nằm ở hạng mục chính như nhà ga, đường băng.
“Tôi hy vọng, các hạng mục công trình chính vẫn đảm bảo đúng tiến độ,” ông Hoàng Văn Cường nói./.