Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật Nhà giáo và Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ.

Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì thảo luận Tổ. Cùng tham gia thảo luận Tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình có các đại biểu: Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.

Phát biểu điều hành thảo luận tại Tổ, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trao đổi một số vấn đề về Dự án Luật Nhà giáo. Trong đó khẳng định Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo, đồng thời có chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển nhà giáo; khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay, kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo.

Cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu, rà soát lại một số quy định nhằm cụ thể hơn các quan điểm của Đảng, Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện nay dự thảo mới quy định đối tượng điều chỉnh là nhà giáo ở trong các cơ sở giáo dục, chưa đề cập đến đối tượng là các chuyên gia, các nhà khoa học thỉnh giảng. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo tầm soát hết các đối tượng được điều chỉnh.

Về các quy định liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, chế độ làm việc của nhà giáo, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng đảm bảo đồng bộ, tương thích với các quy định của các luật liên quan. Tương tự như vậy, đối với quy định về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo cũng cần được rà soát kỹ lưỡng để có quy định thấu đáo, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống luật.

Cho ý kiến về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là dự án luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, là một trong những trụ cột phát triển bao trùm. Để đảm bảo tính khả thi cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa thêm quan điểm về mô hình liên kết trong lĩnh vực đào tạo việc làm.

Về chính sách hỗ trợ việc làm, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cho đây là nội dung rất quan trọng của dự thảo Luật, thể hiện vai trò hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách tín dụng có ưu đãi về mặt lãi suất nhằm tạo điều kiện và mở rộng việc làm, giải quyết việc làm theo hướng bền vững, chuyển đổi lao động sang khu vực có năng suất lao động cao hơn và góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền sản xuất. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để có những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đối tượng là người khuyết tật và người cao tuổi; và cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn giúp phát triển nhóm đối tượng lao động công nghệ, kinh tế số, chuyển đổi số.

Đại biểu Đinh Việt Dũng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại Tổ số 12.

Đại biểu Đinh Việt Dũng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại Tổ số 12.

Thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hiện nay, một số khái niệm trong Dự án Luật chưa đồng nhất, như: “cán bộ quản lý giáo dục”, “Hiệu trưởng”, “Hiệu phó”, “cán bộ quản lý cơ sở giáo dục”... Do vậy, đề nghị Dự thảo luật cần làm rõ các khái niệm và thống nhất, tránh mâu thuẫn với Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức.

Đồng tình với quan điểm cần phải có những chính sách hỗ trợ đối với nhà giáo theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cũng đã quy định khá cơ bản, song một số quy định vẫn chưa đồng nhất và cần phải xem xét lại. Trong đó cần xem xét lại quy định về phụ cấp đối với những nhà giáo làm nhiệm vụ quản lý; các quy định liên quan đến chính sách tuyển dụng.

Góp ý về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Đinh Việt Dũng nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật, cho rằng dự thảo Luật đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Góp ý cụ thể về Chương II của Dự thảo (Chính sách hỗ trợ việc làm), đại biểu đề nghị thiết kế lại, đảm bảo logic giữa các điều. Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, vấn đề đáng lo ngại là giải quyết việc làm cho lao động thành phố. Vì vậy, chính sách hỗ trợ việc làm cũng cần phải được rà soát lại, bảo đảm bao quát hết các đối tượng ở khu vực thành thị, nông thôn, bảo đảm công bằng xã hội. Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc làm phù hợp đối với người dân ở các xã bãi ngang ven biển. Đồng thời nên có quy định nới lỏng hỗ trợ chính sách ưu đãi và nên giao cho Chính phủ quy định.

*Trước đó, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, tố tụng và xét xử một số vụ án hình sự.

Qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Các đại biểu góp ý nhiều nội dung trong việc xử lý vật chứng vụ án, tránh lãng phí tài sản và gây thiệt hại cho các bên. Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh như tại dự thảo nghị quyết vẫn còn rất hạn hẹp (chỉ thí điểm xử lý vật chứng tài sản thu giữ bị tạm giữ kê biên phong tỏa trong một số vụ việc vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chỉ đạo); đề nghị có thể mở rộng với các vụ án nghiêm trọng khác như áp dụng cho những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chỉ đạo…

Mai Lan-Thanh Thủy

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-de-nghi-can-ra-soat-hoan-thien-he-945047.htm