Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị lấy tên luật là Luật Căn cước
Sáng nay (28/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 để thảo luận một số dự án luật trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ dự án luật cho thấy đã đảm bảo cơ sở chính trị, cơ sở thực tế để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây. Rất nhiều nội dung tham gia ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật.
Về tên gọi, đại biểu đề nghị lấy tên luật là Luật Căn cước, bởi vì dự thảo luật có quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho “người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã từ 06 tháng trở lên”. Đồng thời, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, cần thiết phải giải thích rõ thế nào được gọi là người gốc Việt Nam tại Điều 3 dự thảo luật.
Ngoài ra, đại biểu băn khoăn về trường hợp những người không phải là người gốc Việt Nam mà là cư dân của các nước ở khu vực bên cạnh sang sinh sống (ví dụ ở Điện Biên giáp Trung Quốc và giáp Lào), cộng đồng biết rằng người đấy không phải là người gốc Việt Nam thì có cấp Giấy chứng nhận căn cước hay không? Thực tế trên địa bàn tỉnh Điện Biên có cả cư dân là người gốc Việt mà chưa đủ điều kiện, chưa xác định được quốc tịch và người nước khác chưa đủ điều kiện theo Luật Quốc tịch Việt Nam để được nhập quốc tịch Việt Nam, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo kỹ nội dung này.
Về thu hồi, giữ thẻ căn cước, tại khoản 5 Điều 29 dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn về nội dung giữ thẻ căn cước. Nhưng riêng đối với việc thu hồi thì tại điểm b khoản 4 Điều 29 dự thảo quy định "Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao thực hiện thu hồi thẻ căn cước có trách nhiệm giao lại thẻ căn cước đã thu hồi cho cơ quan quản lý nhà nước về căn cước".
Đại biểu đặt câu hỏi, khi Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao thu hồi thẻ căn cước thì sau bao lâu sẽ phải nộp cho cơ quan quản lý về căn cước? Trường hợp nào là thuộc Bộ Ngoại giao thu hồi, trường hợp nào thuộc Bộ Tư pháp thu hồi. Ở đây có 3 trường hợp: tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch hiện hành. Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao đồng thời được ra quyết định thu hồi cả 3 trường hợp này hay phải phân định ra trường hợp nào thuộc Bộ Tư pháp, trường hợp nào thuộc Bộ Ngoại giao thu hồi.
Điểm a khoản 4 Điều 28 Luật Căn cước công dân hiện hành quy định cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. “Từ trước đến nay khi thực hiện nội dung quy định này thì có vấn đề gì vướng mắc về mặt thực tế hay không mà bây giờ phải chuyển chủ thể của việc thu hồi thẻ căn cước sang cho Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lò Thị Luyến nêu câu hỏi.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu Quốc hội, chuyển cho các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Đề nghị thể hiện rõ quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như của Chính phủ về việc đổi tên và không đổi tên theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.