Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng 21/6, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Quang cảnh phiên họp thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Quang cảnh phiên họp thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án luật này. Sau kỳ họp, dự án luật đã được tổ chức lấy ý kiến sâu rộng đối với mọi tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước; Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến Nhân dân, tích cực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Ngày 9/6/2023, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đã có 186 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến tại 19 tổ. Không khí thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những vấn đề trọng tâm trong dự án luật cũng như những vấn đề các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao cơ quan soạn thảo sau khi tiếp thu ý kiến của Nhân dân đã nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tế.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể, về mở rộng đối tượng nhận, chuyển nhượng đất nông nghiệp, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, trong dự án luật cần có quy định rõ đối tượng nhận, chuyển nhượng là cá nhân và tổ chức; nêu rõ về thời hạn chuyển nhượng, tổ chức nhận chuyển nhượng. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể về phương pháp định giá đất sát với thị trường để đảm bảo lợi ích giữa các bên như cơ quan quản lý qhà nước, tổ chức và người sử dụng…

Đại biểu nhất trí với việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có tính đến đặc thù của các loại đất và đối tượng nhận quyền chuyển nhượng là tổ chức phân biệt với đối tượng nhận chuyển nhượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp. Bên cạnh đó có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp ảnh hưởng đến mục tiêu, chính sách.

Đối với trường hợp mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, ngoài ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5, Điều 4 dự thảo luật như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án quy định hạn mức nhận chuyển nhượng mức nào thì phải thành lập tổ chức kinh tế, hạn mức bao nhiêu thì không cần phải thành lập mà chỉ cần đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, không vi phạm pháp luật về đất đai. Bởi vì đối với cá nhân nhận chuyển nhượng thì cũng sẽ có trường hợp nhận chuyển nhượng với diện tích không lớn mà yêu cầu phải thành lập tổ chức kinh tế thì sẽ không phù hợp.

THANH HUYỀN - ANH TUẤN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/591047-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-dong-gop-y-kien-vao-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi.html