Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Tổ trưởng Tổ 15, ĐBQH các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Quảng Trị, Bình Phước đã thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ trưởng Tổ 15 chủ trì buổi thảo luận tổ ngày 23/5.
Cơ bản nhất trí với Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm đến tình hình thực hiện quy định pháp luật về dạy thêm, học thêm.
Trong đó, đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến những điểm tích cực, chỉ rõ những bất cập trong việc giám sát, quản lý các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường; việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường…
Đại biểu đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm như tăng cường giám sát để bảo đảm các trung tâm tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tuân thủ đúng quy định, tránh tình trạng “lách luật” hoặc hoạt động “chui”, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nội dung chương trình.
Nghiên cứu điều chỉnh quy định về tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm khi phụ huynh, học sinh có nhu cầu và được thu phí trong nhà trường nhưng quản lý chặt chẽ, bảo đảm việc tham gia học là tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy trong giờ học chính khóa để giảm nhu cầu học thêm; cần xây dựng mô hình hỗ trợ học tập trong các nhà trường dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo; tổ chức cho học sinh tự học buổi 2 để tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên…
Góp ý kiến vào tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, các đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá: Với sự nỗ lực cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội đất nước có sự chuyến biến tích cực và đạt nhiều kết quả khích lệ, là cơ sở vững chắc, tạo động lực, khí thế, quyết tâm mới để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc một số mục tiêu cho phù hợp như: Giải ngân vốn đầu tư đạt 100% kế hoạch; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, giảm 30% chi phí thủ tục hành chính.

Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tổ ngày 23/5.
Cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển; tập trung thể chế hóa các chủ trương của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết dứt điểm các tồn tại đã được nêu ra tại các kỳ giám sát của Quốc hội.
Rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về ngân sách Nhà nước, đầu tư công, thuế, quản lý và sử dụng tài sản công, tài nguyên, khoáng sản; quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; rà soát, nghiên cứu chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.