Đại biểu Quốc hội đề xuất các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) đề cập đến cải thiện môi trường kinh doanh- vấn đề mang tính chất quyết định với tăng trưởng. Ông Đồng cho biết khá sốt ruột với việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua. Các doanh nghiệp vẫn phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập trong môi trường kinh doanh.

Theo ông Đồng, nếu không có đột phá về môi trường kinh doanh thì chắc chắn mục tiêu tăng trưởng dài hạn hai con số trong hai thập kỷ tiếp theo không thể đạt được. Thậm chí, nếu chúng ta cứ giữ mục tiêu tăng trưởng cao trong các năm 2026, 2027 mà sử dụng các biện pháp về tài khóa, tiền tệ thì rủi ro vĩ mô rất lớn.

Ông Đồng dẫn chứng: Các báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Dòng chảy pháp luật kinh doanh cho thấy rằng việc đầu tư các dự án có sử dụng đất của Việt Nam hiện nay như một “khu rừng thủ tục, núi thủ tục”, từ việc xin quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế, môi trường, phòng cháy chữa cháy, tiền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, nghiệm thu công trình.

Khảo sát của VCCI cũng cho thấy tiếp cận đất đai hay xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Nếu như năm 2021 có 55% doanh nghiệp gặp thuận lợi khi tiếp cận mặt bằng kinh doanh thì năm 2024 chỉ còn 33%. Trong đó vướng mắc lớn nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục, đặc biệt là thủ tục xác định giá đất. Hầu hết các thủ tục khi thực hiện đều bị kéo dài hơn quy định.

Ông Đồng lo ngại, với tình trạng “rừng thủ tục, núi thủ tục”, chúng ta không thể huy động được đủ đầu tư tư nhân phục vụ tăng trưởng. Theo tính toán, tỷ lệ này phải trên 40% thì mới có thể duy trì tăng trưởng cao, trong khi thủ tục đầu tư bị chậm trễ, kéo dài. Trong lĩnh vực bất động sản, thủ tục bị kéo quá dài còn khiến các dự án bất động sản bị đình lại, làm chậm nguồn cung nhà ở và kéo giá nhà ở tăng mạnh thời gian qua.

Ông Đồng cho rằng tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư phải được coi là trọng tâm của trọng tâm khi muốn đặt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục nhiều năm. Ông đề nghị Chính phủ lập tổ công tác gồm nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật để tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục đầu tư dự án, tập trung cắt giảm, hợp nhất hoặc liên thông thủ tục hành chính.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So phát biểu (Ảnh: Minh Nam)

ĐB Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) cho hay, chính sách tài khóa và tiền tệ cần thật sự trở thành “đòn bẩy tăng trưởng”, không thể chỉ dừng lại ở vai trò “trấn an tinh thần.” Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực với các chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất... tuy nhiên, thực tế triển khai rất “chật vật”. Gói hỗ trợ lãi suất 2% từng được kỳ vọng là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp, sau gần hai năm mới giải ngân chưa tới 5%. Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ bị loại khỏi cuộc chơi vì không có báo cáo tài chính được kiểm toán hay tài sản thế chấp đạt chuẩn.

Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, điều cấp thiết hơn là cải tổ toàn diện cơ chế thực thi để dòng vốn thực sự chảy đến đúng nơi cần thiết.

Ông So cho rằng, cần đồng bộ triển khai ba nhóm giải pháp then chốt. Cụ thể, cần cải cách tư duy đánh giá tín dụng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Không thể tiếp tục áp dụng một bộ tiêu chí giống nhau cho cả tập đoàn lớn và doanh nghiệp khởi nghiệp. Hệ thống tài chính ngân hàng cần chuyển từ “tư duy sổ đỏ” sang “tư duy dòng tiền”, đánh giá năng lực trả nợ dựa trên dữ liệu kinh doanh, lịch sử đóng thuế, hiệu quả vận hành thực tế thay vì chỉ nhìn vào bảng cân đối kế toán hoặc tài sản thế chấp.

Bên cạnh đó là giao chỉ tiêu giải ngân bắt buộc cho từng tổ chức tín dụng, giống như giao kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nhưng chỉ tiêu không chỉ là “bao nhiêu tiền đã ra khỏi quỹ”, mà là “đã đến tay ai, hiệu quả ra sao”. Phải công khai số liệu, có khen, có phạt, để tăng tính ràng buộc và chấm dứt tình trạng “ai cũng đúng nhưng kết quả vẫn sai”.

Đồng thời, cần khẩn trương thiết lập hệ thống giám sát độc lập, công khai, với bộ chỉ tiêu đo lường minh bạch, tỷ lệ giải ngân, số hồ sơ tiếp cận thành công, tỷ lệ bị từ chối và lý do cụ thể. Không thể để “tiền nằm trong ngân hàng, doanh nghiệp nằm trên bờ vực”. Mỗi ngân hàng, mỗi địa phương cần phải chịu trách nhiệm giải trình, thay vì né tránh, đùn đẩy.

Ông So cũng đề xuất tăng tốc phát triển thị trường, coi đây là đòn bẩy chiến lược, tạo động lực tăng trưởng và nâng cao sức chống chịu của khu vực kinh tế tư nhân. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, xung đột địa chính trị leo thang, chuỗi cung ứng toàn cầu bị phân mảnh thì việc chủ động phát triển và đa dạng hóa thị trường không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn. Những cú sốc từ việc Mỹ áp thuế đối ứng là lời cảnh tỉnh rõ ràng nếu không mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác, nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố nội lực, doanh nghiệp Việt có thể bị quật ngã bất cứ lúc nào.

Với thị trường nội địa là “mỏ vàng” gần 100 triệu dân, phải tiếp tục khai thông sức mua, kích hoạt tiêu dùng, loại bỏ tầng nấc trung gian, hiện đại hóa phân phối tạo lực đẩy tăng trưởng nội địa.

“Và một điều vô cùng quan trọng là cần phải kiến tạo một thị trường minh bạch, công bằng, liêm chính, không thể để gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái len lỏi, làm méo mó sân chơi, suy yếu niềm tin, bóp nghẹt những doanh nghiệp chân chính và xói mòn lòng tin thị trường như thời gian qua. Đây không chỉ là yêu cầu quản lý, mà là cam kết đạo đức với một nền kinh tế phát triển dựa trên giá trị thật”, ông So nói.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-cac-bien-phap-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-10306459.html