Đại biểu tranh luận về cấm mua bán bào thai

Đây là quy định được dự kiến bổ sung trong Dự thảo Luật phòng chống mua bán người sửa đổi (Dự thảo) và cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần thảo luận.

Ngày 28-8, Hội nghị đại biểu (ĐB) QH chuyên trách cho ý kiến về Dự thảo Luật phòng chống mua bán người (sửa đổi).

Quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào khoản 1, điều 2 (giải thích từ ngữ) để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.

Ý kiến khác đề nghị thiết kế một điều luật riêng để điều chỉnh hành vi mua bán bào thai, cũng có ý kiến băn khoăn việc nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai mà không nhằm mục đích mua bán người do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Thỏa thuận mang thai hộ có phải mua bán bào thai?

ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắc Nông) cho rằng quy định cấm mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai là điểm mới của dự thảo luật lần này, tuy nhiên đề nghị rà soát, tham khảo chi tiết các luật liên quan để thống nhất trong thi hành.

 ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng cấm mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai là điểm mới của dự thảo luật lần này. Ảnh: QH

ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng cấm mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai là điểm mới của dự thảo luật lần này. Ảnh: QH

Chẳng hạn, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định "mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác”. Như vậy, vẫn có trường hợp mua bán bào thai được pháp luật công nhận, do đó có thể quy định cụ thể hơn.

Ý kiến của ĐB Dương Khắc Mai là quy định này có thể viết lại thành: “Mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai mà không được sự đồng ý của người mẹ hoặc mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai, trừ trường hợp quy định tại khoản 22, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình”.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình cấm mua bán bào thai nhưng cho rằng “thực tế đã diễn ra rất nhiều, người ta đã thỏa thuận”.

Ông Hòa nêu ví dụ: Vợ chồng tôi hiếm muộn, cần một đứa con để nuôi. Tôi thỏa thuận với anh A, chị B đang mang thai, có hoàn cảnh khó khăn, tôi sẽ bồi dưỡng, đưa tiền cho anh chị A, B đó để nuôi nấng bào thai cho đến khi sinh con ra thì anh A, chị B đó giao con cho tôi.

"Đây là một vấn đề thỏa thuận, có phải mua bán hay không, thực tế đó là mua bán, nhưng bây giờ thỏa thuận do nhu cầu. Tôi có tiền, có đầy đủ cơ sở vật chất, tôi sẵn sàng nuôi con mặc dù không phải con tôi; anh A, chị B hoàn cảnh quá khó khăn, nếu nuôi đứa trẻ đó thì không tốt, nó không được học hành, còn tôi có điều kiện tương đối tốt.

Như vậy, có phải xem tôi là người mua hay không, còn hai vợ chồng anh A, chị B có phải người bán hay không. Đây là một điểm phải cân nhắc kỹ để sau này sẽ xử lý” - ĐB Hòa phân tích và đề nghị cần quan tâm vấn đề này.

 ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình cấm mua bán bào thai. Ảnh: QH

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình cấm mua bán bào thai. Ảnh: QH

ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị bên cạnh các hành vi đã được quy định cần bổ sung các quy định về việc cấm gây quỹ hoặc tài trợ cho các hành vi mua bán người. Điều này nhằm ngăn chặn nguồn tài chính cho các hoạt động phạm pháp nêu trên.

Nạn nhân bị ép trong mua bán người cần được miễn trách nhiệm

Về nguyên tắc phòng, chống mua bán người (Điều 4) tại khoản 1 quy định tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là trung tâm bảo đảm bình đẳng giới.

ĐB Dương Khắc Mai nói cần quy định bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân thay vì từ “trung tâm”, bởi người đang trong quá trình xác định là nạn nhân chưa chắc đã là nạn nhân.

Chẳng hạn có trường hợp cố ý vượt biên trái phép để làm các công việc theo chủ định của cá nhân nhưng kết quả không như mong muốn nên báo tin bị bắt cóc, lừa gạt sang biên giới… để được nhận trợ giúp. Vì vậy, khi xác minh hoàn thành, ngoài việc bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp cũng phải tách bạch, xử lý hành vi vi phạm trước đó hoặc áp dụng phương pháp hỗ trợ khác.

ĐB Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cũng đồng tình và nêu tại khoản 8, Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể không bị xử lý hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Do đó, ĐB Trần Thị Hoa Ry đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu khi đã xác minh được là nạn nhân bị ép buộc trong việc mua bán người cần được xem xét đương nhiên là được miễn hình phạt hành chính, miễn trách nhiệm hình sự hoặc có thể bỏ quy định này.

Trẻ dưới 18 tuổi tự bán mình để bán dâm, cha mẹ có bị xử lý không?

Một điểm tôi thấy rất băn khoăn là thời gian qua không xử lý tội mua bán người đối với chủ của những điểm karaoke trá hình, những điểm tụ tập, hộp đêm mà ở đó có mại dâm.

Tại các cơ sở này, chủ cơ sở dịch vụ đồng ý cho những đối tượng dưới 18 hoặc trên 18 tuổi vào mua bán dâm, vậy đây có xem là hành vi mua bán người hay không. Đây cũng là một điểm cần quan tâm nếu không sẽ khó xử lý.

Tôi cũng đề nghị xem xét, làm rõ việc đối tượng tự bán mình và có sự đồng thuận của người thân, vậy người thân đó có phải là đối tượng mua bán người hay không? Chẳng hạn như trường hợp người từ 16 đến 18 tuổi và có đầy đủ sự hiểu biết, sự thỏa thuận với nhau, chấp nhận, thương thảo để lấy tiền và dưới sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người thân khác.

Thời gian qua diễn ra nhiều vụ việc như mua bán người, đặc biệt là trẻ em nữ để hành nghề mại dâm. Họ đồng thuận, họ chịu chứ không phải cha mẹ, anh chị hoặc người thân ép vào mại dâm. Như vậy xem xét cha mẹ có phải hành vi mua bán hay không? Tôi nghĩ đây là một điểm cần phải rõ để sau này có cơ sở rõ ràng khi xử lý.

ĐB PHẠM VĂN HÒA (đoàn Đồng Tháp)

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-bieu-tranh-luan-ve-cam-mua-ban-bao-thai-post807393.html