Đại biểu truy vấn Bộ Trưởng tài chính 'Quản lý tài sản công rất có vấn đề'

Trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ sáng nay (ngày 6/11), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận được nhiều câu hỏi truy vấn của đại biểu quốc hội về quản lý tài sản công, tình trạng lãng phí và tiêu cực trong quản lý và sử dụng tài sản công và trách nhiệm của người quản lý...

Đại biểu cho biết, cử tri ghi nhận việc thực hành tiết kiệm trong chi thường xuyên có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 74. Tuy nhiên, vẫn còn băn khoăn việc chậm ban hành Nghị định của Chính phủ để thi hành nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết này cũng như việc lãng phí trong sử dụng tài sản công.

Các dự án đầu tư lãng phí được chỉ ra tại Nghị quyết 74 của Quốc hội cũng chưa rõ lộ trình, tiến độ. Các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia dù giải ngân có tiến triển nhưng chậm và chưa bền vững, chuyển nguồn còn lớn dẫn tới tiếp tục lãng phí nguồn lực quốc gia.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận được nhiều câu hỏi truy vấn của đại biểu quốc hội về quản lý tài sản công.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận được nhiều câu hỏi truy vấn của đại biểu quốc hội về quản lý tài sản công.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) và đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) hỏi Bộ Tài chính, đề nghị cho biết nguyên nhân, cách khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quản lý tài sản công.

Trong khi đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đặt vấn đề về hàng nghìn tài sản công tại các huyện, xã đang bỏ không, để lãng phí sau sắp xếp. Bà đề nghị Bộ trưởng Tài chính nêu rõ nguyên nhân và hướng xử lý.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói thời gian tới đề xuất Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sửa Luật Tài sản công bởi chưa bao quát hết hành vi.

Ông dẫn chứng như Luật chưa quy định hình thức mua lại tài sản thành tài sản công. Như các trạm BOT do thay đổi quy hoạch nên trạm đó không sử dụng được nữa thì đoạn đường đó sẽ do Nhà nước quản lý nên mua lại một số nhà đầu tư tư nhân. Hình thức mua lại tài sản công cũng chưa có.

Cũng như các nghị định Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng sửa về hướng dẫn tài sản công. Một số đơn vị sự nghiệp công lập khi liên doanh, liên kết, thuê tài sản công sẽ được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn.

Về câu hỏi của cử tri liên quan đến chi thường xuyên và chậm ban hành thực hiện Nghị quyết 74, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã lấy ý kiến các bộ ngành, trình Thủ tướng. Tháng 3, Thủ tướng đã ban hành quyết định thực hành tiết kiệm chống lãng phí thực hiện cho năm nay và cá năm tiếp theo. Việc này liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên "có hơi chậm". "Cơ bản là nâng cao trách nhiệm các cơ quan quản lý tài sản. Như sáp nhập xóm, xã thì các cấp phải điều chuyển tài sản công có hiệu quả hoặc bán đi để lấy tiền đầu tư phát triển mới", ông nói và cho biết Bộ Tài chính sẽ tăng cường các công tác thanh tra và kiểm tra; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công và từ đó siết chặt về quản lý hiệu quả hơn.

Với câu hỏi của đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trách nhiệm các đơn vị trong quản lý tài sản công được phân định rõ theo từng cấp, ngành. Như các tài sản công thuộc bộ ngành quản lý thì trách nhiệm thuộc Chính phủ và cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính. Còn đa số tài sản công trực thuộc phạm vi quản lý UBND tỉnh khi sắp xếp huyện, xã sẽ do tỉnh quản lý. Với số này, hiện đã xử lý được 90% tài sản công, còn 10% tương đương gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó một nửa là bỏ không, gây lãng phí.

Ông nêu nguyên nhân, việc định giá bán tài sản công gặp khó, cũng khó tìm cơ quan định giá, trong khi thị trường trầm lắng nên việc bán, chuyển nhượng cũng khó khăn. Ngoài ra, muốn chuyển mục đích tài sản công thì phải phê duyệt lại mục đích sử dụng đất, và điều chỉnh quy hoạch và loạt thủ tục khác. Từ giữa tháng 9 Bộ Tài chính đã hướng dẫn, đôn đốc và sẽ làm việc với các đơn vị để đưa số tài sản này vào hoạt động, hiệu quả.

Tranh luận về việc quản lý tài sản công với Bộ trưởng Tài chính, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nói rằng cử tri lo lắng về tình trạng lãng phí và tiêu cực trong quản lý và sử dụng tài sản công. Những bất cập, lỗ hổng pháp lý Bộ trưởng đã nói ra nhưng thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan quản lý nhà đất, công sản ở đô thị. Từ đó cho thấy thước đo, niềm tin của người dân "là quản lý tài sản công rất có vấn đề", các kiến nghị Kiểm toán nhà nước cũng chưa được thực hiện nghiêm túc.

Bộ trưởng nói sẽ điều chỉnh cơ chế chính sách "nhưng tôi băn khoăn là làm chậm quá, mà chậm thì sẽ còn nhiều tiêu cực, lãng phí phát sinh", ông Tạo nói và đề nghị qua kiểm toán phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, hạn chế tình trạng lãng phí, tiêu cực.

Đáp lại, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói rằng việc quản lý tài sản công là của nhiều ngành, nhiều cấp. Trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công. "Như quản lý ôtô, nhà thuộc trách nhiệm từng đơn vị thì khi hỏng các đơn vị phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng tài sản công. Vấn đề là cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công", ông nói và bày tỏ tiếp thu ý kiến của đại biểu Nguyễn Tạo để kiểm tra, đôn đốc việc này.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dai-bieu-truy-van-bo-truong-tai-chinh-apos-quan-ly-tai-san-cong-rat-co-van-de-apos-1096403.html