Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

BHG - Sáng 27.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc, họp tập trung tại hội trường thảo luận vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã tham gia góp ý một số nội dung vào dự thảo Luật.

Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận tại phiên họp sáng 27.5

Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận tại phiên họp sáng 27.5

Theo đại biểu Vương Thị Hương, về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và tự nguyện (quy định tại Điều 3 Dự thảo Luật) tại khoản i và n của điều 3 của dự thảo Luật quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm “Người quản lý doanh nghiệp”. Trong khi khoản 24 điều 4 Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và khoản 7 điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đều có cùng 1 thuật ngữ “Người quản lý doanh nghiệp”, nhưng 2 Luật trên có giải thích khác nhau. Vì vậy, đại biểu đề nghị để thống nhất cách hiểu và tránh việc áp dụng tùy tiện trong thực tế và bổ sung giải thích từ ngữ đối với thuật ngữ Người quản lý doanh nghiệp áp dụng trong phạm vi luật này.

Đại biểu cho rằng, đối với quy định giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm (theo Điều 68 của dự thảo Luật) nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư về cải cách chính sách BHXH là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển; tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục, có thời gian đóng ngắn hơn so với quy định hiện nay được hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần. Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất (như quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật BHXH năm 2014). Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn và lo ngại. Do vậy Đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp, để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống.

Về mức trợ cấp một lần tại điểm a, khoản 2 Điều 72 của dự thảo Luật, Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị cần nghiên cứu nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75% (35 năm đối với lao động nam, 30 năm đối với lao động nữ). Ngoài ra, đại biểu đề nghị có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc làm.

Ngoài các nội dung trên, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm một số nội dung như: Quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng; đề xuất có giải pháp để người lao động có thể tiếp cận, tra cứu thông tin về BHXH nhanh chóng; cần nghiên cứu có các quy định và giải pháp tổng thể để bảo vệ quyền lợi của người lao động phù hợp với thực tiễn và nguyên lý của BHXH.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202405/dai-bieu-vuong-thi-huong-doan-dbqh-tinh-ha-giang-thao-luan-ve-du-thao-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-cb32ee3/