Đại dịch Covid-19: Các nước nghèo cần hỗ trợ khẩn cấp
Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều quốc gia thuộc dạng nghèo phải vật lộn với 3 bài toán nan giải là vaccine, nghèo đói và nợ nần. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều lời kêu gọi các nước giàu phải hỗ trợ khẩn cấp cho các nước nghèo để vượt qua tình cảnh đáng báo động hiện nay.
Ngày 5-10, Reuters đưa tin, phát biểu khai mạc Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về thương mại và phát triển (UNCTAD) tại Barbados, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng tình trạng "nợ nần chồng chất" ở những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới không được kiểm soát, nỗ lực phục hồi toàn cầu sau các tác động của đại dịch sẽ phải hứng chịu “nhát dao chí mạng”. Ông nói: "Cộng đồng quốc tế đã thực hiện một số bước đi tích cực, song đã đến lúc cần thực hiện việc hỗ trợ mang tính bước ngoặt”.
Cũng theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, việc đình chỉ thanh toán nợ là chưa đủ với các nước nghèo mà những nước này cần nhận được sự cứu trợ một cách hiệu quả. Tháng 8 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã thông qua gói hỗ trợ tài chính lớn kỷ lục, với tổng trị giá lên tới 650 tỷ USD, nhằm giúp các quốc gia có thêm nguồn lực để chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ tài chính này được cấp dưới dạng tài sản dự trữ quốc tế với tên gọi Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Ông Guterres cho rằng sắp tới cần tiếp tục tái phân bổ những khoản chưa được sử dụng của SDR để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương.
Giữa tháng 6 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng nhấn mạnh ngoài việc hỗ trợ các nước thu nhập thấp, cộng đồng quốc tế không thể để các nước thu nhập trung bình bị bỏ lại phía sau mà trái lại, cần mở rộng chương trình xóa nợ cho các nước này. Theo ông, các nước có thu nhập trung bình, hiện chiếm hơn một nửa trong tổng số 193 thành viên của LHQ, nên được miễn trả nợ đến năm sau để ứng phó với tác động kinh tế-xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.
Cách đây ít ngày, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass tiết lộ tính đến giữa năm 2021, có tới hơn 50% quốc gia nghèo nhất thế giới đang gặp khó khăn hoặc gặp rủi ro trong việc thanh toán nợ nước ngoài.
Trong khi đó, một số nhân vật nổi tiếng ở châu Phi ngày 4-10 đã cùng ký tên vào một bức thư kêu gọi những nước giàu nhanh chóng cung cấp các loại vaccine ngừa Covid-19 cho khu vực này như đã hứa. Bức thư nêu rõ, châu Phi đã nhận được cam kết tài trợ hơn 1 tỷ liều vaccine trong năm 2021 và thêm hàng trăm triệu liều vaccine khác vào năm tới, đồng thời giúp “Lục địa đen” sản xuất vaccine. Tuy nhiên, châu Phi không thể ngồi chờ “những lời hứa hão” như vậy, nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho người dân ở khu vực này chỉ ở mức chưa đầy 4% so với mức 70% của nước giàu. Những người tham gia ký tên vào bức thư cho rằng đây là sự bất bình đẳng và thậm chí có thể khiến người dân châu Phi cũng như thế giới đối mặt với nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Không chỉ có vậy, giữa lúc hàng chục triệu người đang trong tình cảnh khẩn cấp vì mất an ninh lương thực, ngày 4-10, các cơ quan trực thuộc LHQ đã phải tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm bàn cách ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói và các tình trạng tương tự ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo Phó tổng Thư ký LHQ kiêm Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) Martin Griffiths, hiện có 41 triệu người đang bị nạn đói đe dọa, tăng 50% trong hai năm qua, và điều đó chứng tỏ nạn đói là mối đe dọa đang hiện hữu với thế giới. Thực tế này cũng cho thấy các nước nghèo đang cần sự hỗ trợ hơn bao giờ hết.