Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giới
y ban Xã hội cho rằng, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hàng loạt các vấn đề về lao động, việc làm, y tế, giáo dục... Trong đó, đối tượng chịu sự ảnh hưởng nặng nề hơn thường là phụ nữ.
Tại Phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021, Ủy ban Xã hội cho rằng các bộ, ban, ngành cần quan tâm hơn nữa về việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động.
Đưa ra ý kiến thẩm tra về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021, Thường trực Ủy ban Xã hội chỉ ra rằng, để triển khai thực hiện Chiến lược, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản, tài liệu hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, do thời gian triển khai ngắn và trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều bộ, ngành chưa triển khai hoặc việc triển khai chưa được đồng bộ, thống nhất. Việc thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP cũng đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể:
Đối với mục tiêu trong lĩnh vực chính trị, tính đến hết Quý II năm 2021, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 45%, tăng hơn so với đầu nhiệm kỳ 2016-2021 là 40%. Tỷ lệ Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ các cấp tỉnh là 37,70%, cấp huyện 31,77% và cấp xã 24,94%. Tuy Chiến lược không đặt ra chỉ tiêu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, kết quả bầu cử phản ánh việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao nhất từ Quốc hội khóa V trở lại đây; 35 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội từ 30% trở lên. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều cao hơn so với nhiệm kỳ 2016 - 2021 với tỷ lệ cấp tỉnh, huyện, xã lần lượt là 29%; 29,20%; 28,98%. 26 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân từ 30% trở lên, cao nhất là Bắc Kạn 50%.
Toàn cảnh Phiên họp Ủy ban theo hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng có một số vấn đề cần quan tâm ở nội dung này. Theo đó, kết quả của chỉ tiêu này còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra. Vẫn còn 2 địa phương không có nữ đại biểu Quốc hội. Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021 thì việc trao quyền của phụ nữ trong chính trị của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh từ vị trí 110/153 năm 2020 xuống 121/156 năm 2021.
Còn theo Báo cáo chỉ số nữ doanh nhân do Mastercard công bố năm 2021 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đạt 26,5%, đưa Việt Nam xếp thứ 9 trên tổng 58 nền kinh tế, xếp thứ 2 trong 6 nền kinh tế các nước Đông Nam Á được nghiên cứu…
Ngoài những kết quả đạt được, theo Ủy ban Xã hội vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Cụ thể, đại dịch COVID-19 tiếp tục làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giới vốn có trong thị trường lao động và tạo ra những bất bình đẳng mới. Đó là, phụ nữ phải đối mặt với tình trạng giảm số giờ làm, phải làm các công việc thiếu ổn định và dễ bị ra khỏi lực lượng lao động hơn nam giới.
Hàng loạt các vấn đề về lao động, việc làm đã tác động đến nữ giới. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới đăng ký thành lập. Trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm tỷ lệ lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị thiệt hại, tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều hơn so với doanh nghiệp do nam làm chủ…
Theo thống kê, phụ nữ dành số giờ trung bình gấp đôi nam giới để làm việc nhà. Số lượng các vụ bạo lực gia đình tăng lên, đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp chưa được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ.
Ủy ban Xã hội cho rằng, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hàng loạt các vấn đề về lao động, việc làm, y tế, giáo dục... Trong đó, đối tượng chịu sự ảnh hưởng nặng nề hơn thường là phụ nữ, làm gia tăng khoảng cách bình đẳng giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược. Đồng thời, Chính phủ đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới. Nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa đề xuất sửa đổi Luật để khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực hiện. Do đó, đề nghị Bộ chủ quản và các bộ, ban, ngành, địa phương cần thực thực sự quan tâm, có các giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện; đảm bảo đạt được các mục tiêu mà Chiến lược đề ra.