Đại dịch Covid-19 ở Brazil rơi vào thời kỳ 'xả lũ' chết chóc nhất
Cuối năm 2020, Tổng thống Jair Bolsonaro tuyên bố Brazil đã đạt tới 'giai đoạn cuối' của đại dịch. Chỉ ba tháng sau, nước này mất thêm gần 100.000 sinh mạng vì Covid-19.
Chỉ ba tháng sau tuyên bố của ông Bolsonaro, Brazil ghi nhận gần 100.000 ca tử vong vì Covid-19, theo Guardian.
Từ giữa tháng hai, bác sĩ André Machado - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Our Lady of the Conception ở Porto Alegre, đã nhận ra đại dịch tại Brazil đang chuyển sang một giai đoạn mới rất khó đoán và hung hãn như một trận xả lũ.
Kể từ đó, bệnh viện của ông cũng như các trung tâm y tế trên cả nước, đều bị tràn ngập một lượng lớn các bệnh nhân trong trạng thái bồn chồn, lo sợ và khó thở, thậm chí có cả những người trẻ và sức khỏe tốt. Trong đó, có một sản phụ 37 tuổi nhập viện vì khó thở và ho, các bác sĩ đã phải tiến hành mổ lấy thai nhi khẩn cấp để giảm bớt áp lực lên lá phổi nhiễm virus của người mẹ.
Cả người mẹ và em bé 36 tuần tuổi đã được gấp rút đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt và đặt máy thở. Sự việc xảy ra vào tuần trước. Ông Machado đã không biết sản phụ có vượt qua được không khi khu điều trị Covid-19 của bệnh viện sắp vỡ trận và nỗi lo gia tăng về tác động toàn cầu của dịch bệnh chưa được kiểm soát ở Brazil.
Hai mươi bốn giờ sau, vào lúc 10 phút trước nửa đêm, người mẹ đã tử vong, để lại 5 đứa con mồ côi trong bối cảnh đất nước hỗn loạn vì dịch Covid-19.
“Diễn biến của đợt dịch này quá nhanh và quá nguy hiểm so với các phương pháp mà chúng tôi đang thực hiện”, bác sĩ Machado cho biết. Ông đang vật lộn khi số ca nhiễm bệnh đang tăng gấp ba lần. “Chúng ta dường như đang loay hoay một cách vô ích, rồi đợt dịch sẽ còn giết thêm nhiều người nữa ở Brazil”, ông nhấn mạnh.
Số người chết không ngừng tăng
Cuối năm ngoái, Tổng thống Jair Bolsonaro - một người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã lạc quan hạ thấp mức độ phòng chống dịch Covid-19, tuyên bố Brazil đã đạt đến "giai đoạn cuối" của đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất tại nước này.
Nhưng ông đã sai.
Ba tháng sau, quốc gia lớn nhất châu Mỹ Latin ghi nhận thêm 100.000 ca tử vong - nâng tổng số người chết lên hơn 275.000 người, chỉ đứng thứ hai sau Mỹ và rơi vào giai đoạn chết chóc nhất kéo dài 13 tháng chống dịch.
Với con số kỷ lục 2.349 ca tử vong mỗi ngày, cựu Tổng thống cánh tả Luiz Inácio Lula da Silva đã chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của ông Bolsonaro và kêu gọi người dân đối đầu với tổng thống đương nhiệm.
Ông Lula nhấn mạnh Brazil đang trong tình trạng không có chính phủ. Cựu tổng thống cho rằng sự lãnh đạo “thiếu văn minh” của ông Bolsonaro và coi thường khoa học đã gây ra thảm họa cho Brazil. Ông cảnh báo: “Đáng lẽ nhiều người dân đã được cứu chữa, Covid-19 đang chiếm lấy đất nước này”.
Khi tình trạng khẩn cấp được nâng lên, các nhân viên y tế tuyến đầu từ Porto Alegre đã tới hỗ trợ Recife, một thành phố ven biển cách hơn 3.000 km về phía bắc. Bầu không khí nơi này nhuốm đậm sự đau khổ, tuyệt vọng và kiệt sức khi các khu điều trị tích cực và nghĩa trang đều bị quá tải.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Eduarda Santa Rosa Barata, đang làm việc tại ba khu điều trị tích cực ICU ở thủ phủ phía đông bắc của bang Pernambuco, cho biết tình hình đã vượt ngưỡng giới hạn.
Họ phải chật vật đối phó với dịch bệnh, trong khi phải tiếp nhận các ca bệnh không ngừng gia tăng. Vài ngày trước đó, Barata đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 37 tuổi mắc Covid-19 không có bệnh nền nhưng phổi bị tổn thương nặng đến mức phải đặt nội khí quản. Đại dịch đang ngày càng đáng sợ.
Có rất nhiều nguyên nhân bùng phát làn sóng dịch, bao gồm sự quản lý yếu kém của chính quyền và sự buông lỏng của các biện pháp giãn cách xã hội, nhất là với người trẻ. Trong vài tháng gần đây, những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh gần như không có tác dụng khi trường học và các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong lúc dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Biến chủng mới hoành hành dữ dội
Theo bác sĩ Machado, đã xuất hiện yếu tố thứ ba rất nguy hiểm. Đó là một biến thể virus mới, lây nhiễm với tốc độ nhanh hơn được gọi là P1, được cho là xuất phát từ vùng Amazon vào cuối năm 2020, đang hoành hành khắp Brazil, kể cả ở phía nam bang Rio Grande do Sul nơi ông làm việc.
"Nếu trước cuối năm 2020, khi một thành viên trong gia đình mắc Covid-19, những người còn lại có thể sẽ âm tính kể cả sống cùng nhau. Nhưng tình hình hiện nay đã khác, khi một người dương tính thì cả nhà sẽ bị nhiễm bệnh”, ông nhấn mạnh. "Rõ ràng chúng ta đang bị biến chủng mới này tấn công dữ dội".
Vấn đề tranh luận gay gắt hiện nay là cuộc khủng hoảng của Brazil là do các biến chủng mới này hay các biến chủng virus được tìm thấy tại Anh và Nam Phi.
Một số chuyên gia tin rằng biến chủng này đang thúc đẩy cho các nhà lãnh đạo cố gắng kiểm soát căn bệnh mà Tổng thống Bolsonaro coi là "bệnh cúm vặt". Khi ban bố lệnh đóng cửa khẩn cấp trong hai tuần ở bang đông dân nhất của Brazil, Thống đốc bang Sao Paulo, João Doria, tuyên bố các bệnh viện có nguy cơ vỡ trận do biến chủng mới.
Ông cảnh báo rằng chủng virus mới này rất hung hãn và nguy hiểm, đồng thời khẳng định Brazil đang “thất thủ” dưới áp lực của các ca bệnh.
Jesem Orellana, một nhà dịch tễ học từ thành phố Manaus của Amazon, cho biết các bệnh viện nơi này đã cạn kiệt oxy do sự bùng phát của đại dịch. Ông cho rằng các biến chủng mới không phải thủ phạm chính của thảm họa này.
“Từ góc độ chính trị, đổ lỗi cho sự xuất hiện biến chủng mới thì khá đơn giản, nhưng thực ra điều tồi tệ nhất là cách mà dịch bệnh đã bị xử lý sai”, ông nói. Vị chuyên gia cho rằng việc ngăn chặn Covid-19 thất bại do áp dụng các biện pháp cách ly xã hội không phù hợp và gây tổn thất về kinh tế. Bên cạnh đó, các lãnh đạo ở tất cả cấp chính quyền đang “coi biến chủng này như một chiếc nạng để chống đỡ, biện minh cho những sai lầm và sự cẩu thả của họ đối với dịch bệnh”.
Giáo sư Marcos Boulos, một chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sao Paulo, cho biết biến thể P1 đang khiến cho số lượng ca nhiễm tăng vọt tại Brazil. Nhiều bệnh viện trên khắp Brazil đều cho thấy P1 đang gây ra nhiều ca bệnh nặng ở những người trẻ. Chưa có dữ liệu cụ thể để khẳng định, nhưng điều này có thể nhìn thấy rõ ràng từ thực tế.
“Chúng tôi đang có một nữ bệnh nhân 20 tuổi nằm trong khu điều trị tích cực ICU với tình trạng rất nghiêm trọng. Các bệnh nhân điều trị trong ICU ở mọi nhóm tuổi. Trước đó, 90% chỉ các ca bệnh nặng là những người già. Hiện nay, các ca bệnh nặng vẫn là nhóm người già nhưng có nhiều thay đổi. Các ca bệnh nặng dường như đang trẻ hóa”, ông Boulos chia sẻ thêm.
Phụ trách y tế bang Sao Paulo, ông Jean Gorinchteyn nói với các phóng viên rằng nhiều khu điều trị tích cực ICU có một nửa số bệnh nhân dưới 50 tuổi, nhất là những người 26, 29 và 30 tuổi thường ở trong tình trạng rất nghiêm trọng.
Quan chức này cũng kêu gọi người dân hãy ở nhà và tránh tụ tập đông người. “Mọi người cần phải hiểu rằng tình hình hiện nay rất khác so với đại dịch mà chúng ta đã thấy năm ngoái”, ông Gorinchteyn nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Barata, bệnh nhân mắc Covid-19 ngày càng trẻ hóa và nhập viện trong tình trạng tồi tệ. Mặc dù đã được chủng ngừa bằng vaccine CoronaVac do Trung Quốc sản xuất vào tháng 2, cô cảm thấy tình hình đang đáng sợ hơn so với đợt cao điểm trước đó vào tháng 6/2020. Không chắc diễn biến tiếp của biến chủng mới trong tương lai mù mịt của Brazil là gì, song dù thế nào thảm kịch được cho là còn lâu mới kết thúc ở quốc gia Nam Mỹ này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-bolsonaro-da-sai-post1193160.html