Đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc như thế nào?

Theo các nhà khoa học, có thể đến một ngày nào đó COVID-19 sẽ không còn là đại dịch nữa, lúc này các ca bệnh nằm trong tầm kiểm soát và các bệnh viện không còn quá tải bệnh nhân. Nhiều chuyên gia dự đoán sự lây lan của SARS-CoV-2 khi đó sẽ giống như bệnh cúm mùa.

SARS-CoV-2 liệu có hoàn toàn biến mất?

TS Arnold Monto, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Michigan (Mỹ), đồng thời là Chủ tịch Ủy ban cố vấn về vaccine và sản phẩm sinh học liên quan thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ cho biết: "Việc xác nhận dịch bệnh hay đại dịch chủ yếu dựa trên khả năng của chúng ta kiểm soát một căn bệnh nào đó. Điều đáng mừng là hiện nay chúng ta đã có vaccine khá hiệu quả, nhưng cũng có khó khăn là sự biến đổi khôn lường của virus Corona".

Các biến thể SARS-CoV-2 mới như biến thể Delta đã làm thay đổi những định hình ban đầu về đại dịch.

Theo các chuyên gia, không ai có thể dự đoán chính xác được tương lai của COVID-19 sẽ ra sao và sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 mới, ví dụ như biến thể Delta, đã làm thay đổi những định hình ban đầu về đại dịch.

Các nhà khoa cho rằng: "Với sự thay đổi trong cách thức lây truyền, khi các biến thể mới xuất hiện, giờ đây chúng ta thấy SARS-CoV-2 lây lan rộng hơn và mức độ lây truyền đồng đều hơn trên toàn cầu. Điều này khiến việc tuyên bố chấm dứt đại dịch COVID-19 trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh mô hình lây truyền dịch bệnh đã thay đổi, có thể vẫn còn những khu vực chưa thực sự trải qua làn sóng bùng phát đại dịch trong khi nhiều nơi khác của thế giới đã trải qua".

Giám sát sự lây lan của SARS-CoV-2 giống giám sát bệnh cúm mùa

Các nhà khoa học dự đoán rằng trong tương lai, thế giới có thể giám sát sự lây lan của SARS-CoV-2 theo cách tương tự như giám sát bệnh cúm mùa.

TS Monto cho biết: "Hiện chúng ta chưa biết liệu có xuất hiện mô hình theo mùa đó với SARS-CoV-2 hay không, nhưng thực tiễn cho thấy hầu hết các virus đường hô hấp đều thể hiện đặc trưng hoạt động theo mùa. Đã có tiền lệ cho mô hình theo mùa đối với một số chủng virus Corona lây nhiễm sang người. Một kịch bản có thể diễn ra đó là SARS-CoV-2 có thể sẽ hoạt động theo mùa".

Theo các chuyên gia, dịch bệnh có nghĩa là một bệnh thường xuyên xuất hiện trong cộng đồng nhưng chưa ảnh hưởng đến số lượng lớn người ở mức đáng báo động như đại dịch. Vào đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 đang gia tăng, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dự đoán rằng: "Chủng virus Corona mới này có thể trở thành một loại virus đặc hữu khác trong cộng đồng của chúng ta và có thể không bao giờ biến mất".

TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết: "Những gì chúng tôi hy vọng đạt được đó là mặc dù virus SARS-CoV-2 không bị loại bỏ hoàn toàn, nhưng sẽ không gây tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng hoặc không ảnh hưởng nhiều đến đời sống con người. Vì vậy, nếu chúng ta tăng số người được tiêm chủng trên toàn cầu và tiêm thật sớm, hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ đạt được đến trạng thái COVID-19 có thể vẫn tồn tại nhưng không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống con người".

Trong khi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ mới đây đã xem xét lại mức độ tình trạng khẩn cấp y tế công cộng do COVID-19 gây ra, các quan chức y tế liên bang đã đang cân nhắc các biện pháp đo lường sự kết thúc của đại dịch và các biện pháp theo dõi, giám sát virus SARS-CoV-2 khi nó trở thành virus đặc hữu.

Còn nhiều việc phải làm

Tiêm vaccine vẫn là cách phòng bệnh hiệu quả.

TS Philip Landrigan, bác sĩ nhi khoa và dịch tễ học tại ĐH Boston, cho biết: "Để có thể chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu, chúng ta phải thiết lập được khả năng miễn dịch đối với SARS-CoV-2, đồng nghĩa với nhiều người được tiêm phòng hơn. Nhưng với tình trạng một số người vẫn từ chối tiêm vaccine phòng COVID-19 và một số từ chối đeo khẩu trang sẽ khiến quá trình chuyển biến này có thể mất nhiều thời gian hơn".

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, hiện có khoảng 58% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19.

Landrigan, chuyên gia của CDC Hoa Kỳ, cho rằng: "Chúng ta phải đạt đến một ngưỡng miễn dịch tốt là 80%, thậm chí có thể là 90% dân số có khả năng miễn dịch do đã từng mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng. Ví dụ, để kiểm soát sự lây lan của virus sởi trong cộng đồng ở Mỹ, chúng ta phải đạt được tỷ lệ miễn dịch trên 95%, và thậm chí sau đó, vẫn có những ổ dịch đơn lẻ. Những ổ dịch này thường xảy ra ở một nhóm người thuộc khu vực chưa được tiêm chủng và bị lây nhiễm từ người khác mang mầm bệnh tới đó".

Kristen Nordlund, Người phát ngôn của CDC Hoa Kỳ, nói: "Chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 và tiến tới chấm dứt đại dịch. Hiện vẫn còn nhiều ca mắc mới COVID-19 phải nhập viện và tử vong. Trung bình mỗi ngày số ca mắc mới là hơn 70.000 ca/ngày với trên 1.000 trường hợp tử vong. Đây là lý do vì sao chúng tôi khuyến nghị mọi người từ 5 tuổi trở lên tiêm vaccine để phòng ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, vì mùa thu và mùa đông đang đến nên điều quan trọng là phải tiếp tục thực hiện đồng thời các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bao gồm: tiêm chủng, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên".

CDC Hoa Kỳ khuyến nghị rằng tất cả những người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm phòng cúm hàng năm. Cơ quan này ước tính bệnh cúm đã gây ra khoảng 12.000 đến 52.000 ca tử vong mỗi năm tính từ năm 2010 đến năm 2020. Theo CDC Hoa Kỳ, tính đến nay, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của hơn 750.000 người ở Mỹ.

TS Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Hoa Kỳ, cho biết: "Cuộc chiến chống lại SARS-CoV-2 hàng năm có thể sẽ tương tự như cuộc chiến hàng năm chống lại bệnh cúm. Chúng tôi đang phân tích để tìm hiểu rõ về giai đoạn đặc hữu của COVID-19 và tiếp tục thu thập dữ liệu về các ca bệnh, số lần nhập viện, số ca tử vong nhằm đưa ra các chỉ số dự báo hữu ích và mô hình hóa như bệnh cúm".

Triển vọng kiểm soát thành công đại dịch COVID-19

CDC Hoa Kỳ đã hợp tác với các sở y tế, phòng thí nghiệm, bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để theo dõi các trường hợp cúm được chẩn đoán, xác định loại virus cúm nào đang lưu hành và đo lường tác động của những virus đó đối với tình trạng nhập viện và tử vong. Do đó, ý tưởng được đưa ra là khi SARS-CoV-2 trở nên đặc hữu, một hệ thống theo dõi tương tự bệnh cúm có thể được triển khai để theo dõi virus SARS-CoV-2.

TS Stephen Parodi, chuyên gia đảm trách về bệnh truyền nhiễm thuộc Viện nghiên cứu y tế Kaiser Permanente (Mỹ), cho biết: "Chúng ta có thể giải quyết bệnh COVID-19 khi nó trở thành bệnh đặc hữu giống như đã từng xử lý với bệnh cúm mùa, một số trường hợp có thể bùng phát trong mùa đông và chúng ta cần sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực để xử lý tình huống đó".

Theo Parodi, cần xác định rõ khả năng công suất giường của đơn vị hồi sức tích cực (ICU), chuỗi cung ứng dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân, dự trù thuốc, kháng thể đơn dòng và nhiều hoạt động khác để có thể đạt được mục tiêu kiểm soát thành công đại dịch COVID-19.

Các nhà khoa học cho rằng, ngay cả đối với bệnh cúm cũng không thể dự đoán được và chúng ta đã thấy có rất nhiều ca bệnh cúm xuất hiện trong những năm qua. Tuy nhiên, chúng ta đã có kinh nghiệm kiểm soát các đại dịch cúm trước đây, hy vọng rằng các kinh nghiệm này được áp dụng hiệu quả trong phòng chống bệnh COVID-19.

Xem video được quan tâm:

BS.Tài Văn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//dai-dich-covid-19-se-ket-thuc-nhu-the-nao-169211111160810237.htm