Đại dịch khiến hàng trăm người Hong Kong phải ngủ ngoài đường
Không thể sang Trung Quốc đại lục để sống và làm việc, nhiều người Hong Kong lâm vào cảnh vô gia cư. Giá thuê nhà đắt đỏ khiến họ phải ngủ ngoài đường vì không đủ khả năng chi trả.
Theo một cuộc điều tra dân số không chính thức, đại dịch Covid-19 khiến hàng trăm người Hong Kong mất nhà cửa, trong đó có hơn 500 người qua lại biên giới Trung Quốc đại lục để sống và làm việc cho đến khi các hạn chế đi lại buộc họ phải quay trở lại thành phố, SCMP đưa tin.
Cuộc điều tra Dân số Vô gia cư ở Hong Kong năm 2021, do 7 tổ chức phi chính phủ tổng hợp vào đầu tháng 7, cho biết số người không có nơi cư trú cố định là 1.532. Trong đó, 64% phải ngủ trên đường phố, gần 1/4 ở ký túc xá miễn phí và 14% sống tại các chỗ ở tạm thời như nhà khách.
Các tổ chức phi chính phủ đứng sau khảo sát này chỉ trích hành động của chính quyền Hong Kong khi xua đuổi người vô gia cư khỏi địa điểm công cộng bằng cách bịt đường hầm, đóng cửa sân vận động vào ban đêm, phun khử khuẩn trong công viên và vứt bỏ đồ đạc cá nhân của người ngủ trên đường phố trong cuộc càn quét nhanh.
“Cách tiếp cận này không hiệu quả”, Olivia Chan Man-shan, thuộc Hiệp hội Người vô gia cư, nhận định.
“Thay vào đó, những người vô gia cư sẽ trở nên miễn cưỡng hơn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ. Một số cũng chọn cách chuyển đến những nơi xa xôi, khiến nhân viên xã hội khó tìm kiếm và liên lạc hơn”, bà nói thêm.
Các tổ chức phi chính phủ cũng cảnh báo rằng việc chính quyền bắt buộc sử dụng ứng dụng thông báo phơi nhiễm Covid-19 “Leave Home Safe” tại những tòa nhà chính phủ sẽ không khuyến khích người nghèo dùng công trình công cộng vì không có điện thoại thông minh.
Một cuộc khảo sát của chính quyền Hong Kong trong năm 2018-2019 ghi nhận 1.297 người vô gia cư trong thành phố (chỉ tính số người sống trên đường). Các tổ chức phi chính phủ thừa nhận báo cáo gần đây của họ không thể thống kê tất cả người vô gia cư trong thành phố do hạn chế về nhân lực.
1/4 số người được hỏi cho biết họ mất việc làm do đại dịch, dù 8% có bằng đại học. 1/3 trước đây từng sống và làm việc ở cả hai bên biên giới, nhưng buộc phải quay trở lại Hong Kong sau nhiều tháng đóng cửa các trạm kiểm dịch.
Laura (59 tuổi) cho biết bà làm việc bán thời gian trong ngành dịch vụ ăn uống của Trung Quốc đại lục được 2 năm trước khi mất việc và trở lại xứ Cảng Thơm vào tháng 9 để tìm kiếm cơ hội việc làm.
“Tôi không có tiền nên phải ngủ trên đường phố... Nhưng tôi rất sợ vì là phụ nữ”, bà cho biết.
Độ tuổi trung bình của đối tượng khảo sát là 58 và 16% là phụ nữ - cao gấp đôi so với tỷ lệ được ghi nhận trong cuộc điều tra dân số của chính quyền trước đó.
Laura sau đó chuyển đến nhà khách được các tổ chức phi chính phủ trợ cấp. Nhưng bà cho biết chủ nhà không cho phép mình ở trong phòng từ 11h đến 18h các chủ nhật để anh ta có thể cho thuê vào ban ngày.
Sử dụng tiền quyên góp để thuê nhà khách cho người vô gia cư đã trở thành biện pháp cuối cùng đối với các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, họ lo ngại chủ nhà sẽ tăng giá thuê khi đại dịch bớt căng thẳng và tỷ lệ lấp đầy tăng trở lại.
Các tổ chức kêu gọi chính quyền Hong Kong cung cấp chỗ ở khẩn cấp và nhà chuyển đổi cho người vô gia cư, đồng thời tăng nguồn cung nhà ở công cộng.
Trong khi 1/3 đối tượng khảo sát có công việc với thu nhập trung bình 8.000 HKD/tháng (1.029 USD), hầu hết cho rằng giá thuê tăng cao của Hong Kong là lý do chính khiến họ vô gia cư.
Wong Hung, phó giáo sư tại khoa Công tác xã hội của Đại học Trung Quốc, người tham gia cuộc khảo sát, cho biết: “Mặc dù nền kinh tế và tỷ lệ việc làm đã phục hồi gần đây, những người nghèo vẫn hoàn nghèo vì họ dễ bị tổn thương về kinh tế. Họ cũng khó tìm kiếm việc làm trở lại sau khi thất nghiệp”.
Một nửa số người được tính trong cuộc khảo sát lần đầu tiên trải qua tình trạng vô gia cư, với khoảng thời gian trung bình không có nơi cư trú kéo dài đến 18 tháng.