'Đại dịch thầm lặng' khiến thế giới rất khó đối phó
Theo hãng CNN, một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng hàng đầu mà nhân loại đang phải đối mặt ngày nay là thế giới càng nóng lên thì dịch bệnh càng nhiều hơn.
Diễn biến này, theo các nhà nghiên cứu, sẽ gây ra khó khăn trong việc ngăn chặn các siêu vi khuẩn kháng thuốc.
Tình trạng kháng kháng sinh (AMR), mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là "đại dịch thầm lặng", đang gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc trước đây đã tuyên bố AMR là một trong 10 mối đe dọa toàn cầu hàng đầu đối với sức khỏe con người và ước tính có khoảng 1,3 triệu người tử vong trực tiếp mỗi năm do mầm bệnh kháng thuốc.
WHO nhấn mạnh con số đó đang trên đà "tăng vọt" và nếu không có hành động khẩn cấp, sẽ dẫn đến chi phí y tế công cộng, kinh tế và xã hội cao hơn, đẩy nhiều người vào tình trạng nghèo đói, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp.
Trước bối cảnh hiện tại, thuốc kháng sinh là những loại thuốc dùng để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng ở người và động vật. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc sử dụng quá nhiều là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng AMR.
AMR xảy ra khi các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng phát triển bất chấp sự hiện diện của các loại thuốc được thiết kế để tiêu diệt chúng. Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng AMR theo nhiều cách.
"Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất lớn đối với hành tinh của chúng ta, đặc biệt là khi nhiệt độ trái đất càng tăng thì càng có nhiều bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền, bao gồm cả vi khuẩn AMR", Tina Joshi, phó Giáo sư vi sinh phân tử tại Đại học Plymouth, Vương quốc Anh nói.
"Đại dịch thầm lặng"
Báo cáo do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc công bố đầu năm nay mang tên "Bracing for Superbugs" đã đề cập đến vai trò của khủng hoảng khí hậu và các yếu tố môi trường khác trong quá trình phát triển, sự lây lan và truyền nhiễm liên quan đến tình trạng AMR.
Cụ thể, khả năng nhiệt độ cao hơn có liên quan đến tốc độ lan truyền gen kháng kháng sinh giữa các vi sinh vật, sự xuất hiện của AMR do sự gián đoạn liên tục của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và ô nhiễm gia tăng tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng phát triển khả năng kháng thuốc.
Các nhà khoa học cho biết vào đầu tháng này, nhiệt độ toàn cầu tăng kỷ lục bất thường có nghĩa là năm 2023 "gần như chắc chắn" sẽ là năm ấm nhất từng được ghi nhận. Nắng nóng đỉnh điểm do khủng hoảng khí hậu, khiến thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn.
Ông Robb Butler, Giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm, môi trường và sức khỏe tại WHO Châu Âu đã mô tả AMR là "thách thức cấp bách đến sức khỏe toàn cầu. Đó là một gánh nặng y tế rất lớn và khiến các quốc gia thành viên EU phải trả khoảng 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD) mỗi năm cho chi phí y tế", ông Butler nói.
Ông Robb Butler cũng bày tỏ hy vọng hội nghị khí hậu COP28 sắp tới tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có thể cung cấp nền tảng để các nhà hoạch định chính sách quốc tế bắt đầu nhận ra mối liên hệ giữa khủng hoảng khí hậu và AMR. UAE sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của Liên hợp quốc từ ngày 30/ 11 đến ngày 12/12.
"Tất nhiên, vấn đề là thuốc kháng sinh vẫn gây tranh cãi. Chúng đắt tiền, có nguy cơ cao - và chúng tôi chưa từng thấy loại thuốc kháng sinh nào được phát triển với đủ đặc tính độc đáo để tránh tình trạng kháng thuốc trong 20 năm qua. Chúng tôi đã nghe mọi người nói về đại dịch thầm lặng này nhưng chúng ta không nên im lặng. Chúng ta phải thảo luận nhiều thêm về vấn đề này nữa", ông Butler nhấn mạnh.
Theo ông Butler, có lẽ mối quan tâm lớn nhất là làm thế nào để khuyến khích các nhà lãnh đạo ngành giải quyết tình trạng AMR vào thời điểm mà họ cho rằng chỉ nên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khác - chẳng hạn như sản xuất một loại thuốc trị béo phì có lợi nhuận cao chẳng hạn.
"Tôi có thể nghĩ về việc xã hội có thể thay đổi như thế nào phụ thuộc vào việc sử dụng kháng sinh một cách thận trọng hơn nhằm tránh tạo ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Nhưng nếu hoàn toàn không có thứ gì đổi mới thì chúng ta gần như thua cuộc. Và điều đó thực sự làm tôi lo lắng", ông Butler nhấn mạnh.
Chuyên gia Joshi của Đại học Plymouth lặp lại quan điểm, mô tả quy trình chẩn đoán AMR là "hoàn toàn bị hỏng" và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách khẩn trương khôi phục lại quy trình này.
Trong khi đó, Thomas Schinecker, Giám đốc điều hành của công ty dược phẩm Thụy Sĩ Roche cho biết các nhà hoạch định chính sách chưa rút ra kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 đồng thời cho rằng điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc khủng hoảng sức khỏe liên quan đến AMR.
"Tôi không tin rằng chúng ta rút được kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 vừa qua và tôi cũng không nghĩ rằng chúng ta đã chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo. Một trong những mối lo ngại của tôi là vi khuẩn có khả năng kháng thuốc kháng sinh sẽ gây ra một đại dịch thầm lặng. Vì vậy, chúng ta cần tập trung chuẩn bị cho những tình huống như vậy trong tương lai", ông Thomas Schinecker nhấn mạnh./.