Đại đoàn kết - tài sản quý báu và độc đáo của dân tộc Việt Nam
VOV.VN -Ngày hội Đại Đoàn kết là một dịp để cộng đồng dân cư cùng nhau kiểm điểm lại những việc đã làm trong năm, việc gì tốt, việc gì chưa tốt. Chính điều này giúp tổ dân cư tạo nên sự đồng thuận, giúp họ yên tâm cùng nhau xây dựng một cộng đồng dân cư bình yên, phát triển.
Năm 1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định lấy ngày 18/11 - ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất để làm ngày Mặt trận thống nhất. Nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đồng thời tổng kết một năm hoạt động, đến dịp 18/11 hàng năm, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư đều được tổ chức rộng rãi trên quy mô cả nước.
Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2021), phóng viên VOV phỏng vấn với ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam về ý nghĩa của sự kiện đặc biệt này.
PV: Ngày hội Đại Đoàn kết tại khu dân cư được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xin ông cho biết thêm ý nghĩa của ngày hội này?
Ông Đỗ Văn Chiến: Đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn. Ngày hội Đại Đoàn kết là một dịp để cộng đồng dân cư cùng nhau kiểm điểm lại những việc đã làm trong năm, việc gì tốt, việc gì chưa tốt. Chính điều này giúp tổ dân cư tạo nên sự đồng thuận, giúp họ yên tâm cùng nhau xây dựng một cộng đồng dân cư bình yên, phát triển.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để cộng đồng dân cư ôn lại truyền thống tốt đẹp của MTTQ Việt Nam và xác định nhiệm vụ trong thời gian tới; để cán bộ đảng viên về sinh hoạt ở nơi cư trú nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vừa để truyền tải trực tiếp những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước với bà con nhân dân.
PV: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, năm nay, MTTQ Việt Nam đã có những thay đổi nào trong cách thức tổ chức Ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc thưa ông?
Ông Đỗ Văn Chiến: Để thích ứng với tình hình thực tế, năm nay Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn MTTQ các cấp tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo 3 mô hình.
Một là tại các điểm vùng xanh, ngày hội được tổ chức, hoạt động bình thường. Hai là, mô hình vùng vàng, vùng cam, ngày hội được tổ chức hạn chế, có kiểm soát. Ba là, mô hình vùng đỏ, MTTQ sẽ không tổ chức ngày hội Đại đoàn kết tập trung mà chủ yếu tổ chức thăm hỏi, động viên chia sẻ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc tổ chức trong phạm vi rất nhỏ.
Với tinh thần như vậy, Ngày hội Đại đoàn kết năm nay trở nên rất đặc biệt. Nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ đều đi xuống địa bàn dân cư để trực tiếp gặp gỡ, động viên bà con, lắng nghe thông tin của bà con, thể hiện đúng tinh thần Đại đoàn kết tất cả các dân tộc.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc Việt Nam đã, đang và sẽ phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc như thế nào trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là qua các hoạt động do MTTQ Việt Nam tổ chức trong suối thời gian qua?
Ông Đỗ Văn Chiến: Đại đoàn kết toàn dân tộc là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, có thể nói là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Trên thế giới, theo tôi tìm hiểu thì chưa nước nào có Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức đến từng khu dân cư như Việt Nam.
Nếu chúng ta xây dựng và giữ gìn được được khu phố đoàn kết, thôn bản đoàn kết, xã đoàn kết, huyện đoàn kết, tỉnh đoàn kết, cả dân tộc Việt Nam đoàn kết thì tôi tin rằng, việc khó đến mấy đất nước ta cũng vượt qua được. Lịch sự mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của cha ông ta đã cho thấy bài học về tinh thần đoàn kết vẫn còn nguyên giá trị.
Thử thách vừa qua trước đại dịch COVID-19 là một minh chứng rất sinh động. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn dân đã đồng lòng chung sức phòng, chống dịch bệnh, “chống dịch như chống giặc.
Ở góc độ nhân dân, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra lời kêu gọi phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Chỉ trong khoảng một thời gian rất ngắn, chúng ta đã đạt kết quả đạt được rất đáng trân trọng, Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, hàng triệu gói quà an sinh, gói quà đại đoàn kết, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, trang thiết bị của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài được đưa vào Nam để chi viện cho đồng bào ta ở trong vùng dịch. Khi tập hợp được tinh thần đại đoàn kết của các giai tầng trong xã hội, MTTQ Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
PV: Năm 2021 là năm đầu tiên cả nước triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó rất nhiều yêu cầu đối với công tác mặt trận được đặt ra. Xin ông chia sẻ những hoạt động trong thời gian sắp tới của MTTQ Việt Nam để thực hiện hóa những yêu cầu này.
Ông Đỗ Văn Chiến: Vừa qua, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã triển khai chương trình thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, chúng tôi cũng xác định những nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ thời gian rất cụ thể. Trong đó chúng tôi sẽ tập trung vào 5 vấn đề lớn:
Một là, MTTQ Việt Nam phải là một hạt nhân nòng cốt để tập hợp, xây dựng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Hai là, phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ VN, mục tiêu là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, xác định nhân dân là chủ thể, vừa là mục tiêu để phục vụ, vừa là đối tượng để ban hành chính sách.
Ba là, tiếp tục xây dựng đội ngũ, những người làm công tác cán bộ, làm công tác MTTQ Việt Nam các cấp vừa có cái tâm, vừa có cái tầm, vừa có kinh nghiệm thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bốn là, phải xây dựng được chương trình thống nhất với Quốc hội, Chính phủ với Chủ tịch nước để làm sao, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta triển khai được những hoạch định lớn của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an nình, chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân.
Năm là, tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm lớn của đất nước như: Tăng cường giám sát, kiểm tra, phản biện xã hội; thực hiện thật tốt chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế xã hội tại các vùng khó khăn, vùng có đồng bào là người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chương trình bảo vệ môi trường; chương trình đảm bảo an ninh xã hội,… MTTQ Việt Nam cũng đang nghiên cứu, xem xét đề xuất chương trình “Toàn dân đoàn kết bảo vệ môi trường sinh thái”.
Trong đó, tăng cường giám sát, phản biện xã hội là vấn đề được MTTQ Việt Nam chú trọng nhiều nhất trong gian đoạn tới.
Mới đây nhất, phòng chống tiêu cực là một trong những nội dung mới được Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đề ra. Trong đó, MTTQ Việt Nam sẽ là lực lượng tiên phong, nòng cốt, đồng thời là lực lượng phối hợp hành động với các tổ chức chính trị xã hội để giám sát, rèn luyện phẩm chất, chính trị lối sống của cán bộ, Đảng viên để làm sao cán bộ, Đảng viên phải gắn bó với nơi cư trú, gắn bó với đời sống của nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2021), tôi mong muốn những người làm công tác mặt trận các cấp trong phạm vi cả nước sẽ luôn vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi được tham gia, cống hiến vào phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc là một nhiềm vinh dự, một niềm hạnh phúc. Trong niềm vui của nhân dân, nhiềm vui của đất nước, nhất định chúng ta sẽ có được niềm vui của riêng mình.
PV: Xin cảm ơn ông./.