'Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung' - nét độc đáo, sáng tạo trong nghệ thuật dùng binh

Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ tư (từ ngày 27 đến 29-9-1947) chủ trương dùng đơn vị đại đội để hoạt động trên chiến trường của mỗi địa phương, đồng thời tập trung từng tiểu đoàn chủ lực cơ động đánh vận động chiến.

Đầu tháng 10-1947, sau khi nghe Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp báo cáo về hoạt động tác chiến của bộ đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” là phù hợp với tình hình hiện nay. Tổng Bí thư Trường Chinh cũng nhất trí với phương châm tác chiến này của bộ đội chủ lực.

Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ tháng 10-1947, Bộ Tổng chỉ huy điều chỉnh các đơn vị bộ đội chủ lực thành "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung". Thực hiện phương châm này, các khu ở Việt Bắc (1, 10, 12) chưa kịp triển khai thì địch đã tiến công lên Việt Bắc. Do phán đoán chưa đúng khả năng và thủ đoạn hành binh mạo hiểm của địch, trong tuần đầu (từ ngày 7 đến 14-10-1947), bộ đội ta ham đánh tập trung, vận động từ xa đến, chuẩn bị chưa chu đáo nên nhiều trận đánh hiệu quả chưa cao.

Trước tình hình đó, sáng 14-10-1947, các đồng chí: Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái họp bàn về những vấn đề mà Tổng Bí thư Trường Chinh sẽ trình bày tại cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng buổi chiều cùng ngày. Sau khi phân tích, chỉ rõ mạnh, yếu của địch, các đồng chí thống nhất đề nghị với Thường vụ Trung ương Đảng một số nhiệm vụ, trong đó xác định thực hiện phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” để đánh địch. Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thực hiện phương châm này và tiến hành thử nghiệm ngay trong Chiến dịch Việt Bắc, kết hợp tác chiến du kích rộng khắp với tác chiến tập trung trên các mặt trận.

Bộ đội hành quân chuẩn bị đánh địch trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947. Ảnh tư liệu

Bộ đội hành quân chuẩn bị đánh địch trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947. Ảnh tư liệu

Chấp hành chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 15-10-1947, Bộ Tổng chỉ huy ra huấn lệnh gửi các khu ở Việt Bắc, trong đó nêu rõ: “Phải thực hiện ngay việc lấy đại đội làm đơn vị bố trí trên các chiến trường địa phương”, đồng thời “tập trung từng tiểu đoàn phụ trách từng khu vực”. Huấn lệnh quy định đại đội độc lập là đơn vị bố trí ở từng địa phương (huyện) có nhiệm vụ “quấy rối, tiêu diệt từng bộ phận nhỏ của địch, đôn đốc phá hoại trong địa phương, giúp đỡ vũ trang tuyên truyền và phối hợp tác chiến với dân quân địa phương khi địch đến. Phối hợp với bộ đội chủ lực lưu động (tiểu đoàn tập trung) đánh những trận lớn”. Tiểu đoàn là đơn vị chủ lực, bố trí ở những nơi cơ động, gần đường giao thông, hoạt động ở từng khu vực, từng mặt trận, có nhiệm vụ phối hợp với các đại đội độc lập và du kích địa phương tiêu diệt địch ở những vị trí lẻ, hay đang vận chuyển trên đường giao thông.

Quán triệt chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, đến cuối tháng 10-1947, trên địa bàn Việt Bắc có 30 đại đội độc lập được triển khai ở các huyện trọng điểm thuộc các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang và khoảng 20 tiểu đoàn bộ binh và pháo binh tập trung triển khai thế trận phản công trên cả 3 mặt trận (sông Lô-Đường số 2, Đường số 3 và Đường số 4). Phân tán binh lực một số trung đoàn thành các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung không phải là “bước lùi” về quy mô tổ chức sử dụng lực lượng mà là chủ trương đúng đắn, sáng tạo phù hợp với phương châm tác chiến của bộ đội chủ lực ta hồi đó.

Lực lượng của các “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” chính là yếu tố quan trọng làm nòng cốt để đẩy mạnh tác chiến trên chiến trường Việt Bắc. Trên Mặt trận Đường số 3, các đại đội độc lập phối hợp với dân quân phục kích địch ở Km số 3 và 22-23 (Bắc Kạn-Chợ Mới), các tuyến đường Bắc Kạn đi Cao Bằng, Phủ Thông, Chợ Đồn; đồng thời tiến công các vị trí địch ở Chợ Rã, Chợ Đồn, Chợ Chu, Bản Thi. Đến ngày 20-11-1947, các đơn vị đã đánh hơn 17 trận, gây cho địch thiệt hại nặng. Đáng lưu ý là trận tập kích đồn Phủ Thông (ngày 30-11-1947) của Đại đội 395, Tiểu đoàn 160 (Trung đoàn 72), có một trung đội du kích thị xã Bắc Kạn tham gia. Tuy không đạt như kế hoạch đề ra nhưng đánh dấu bước phát triển mới về hình thức chiến thuật tập kích đơn vị cấp đại đội của Quân đội ta. Tại Mặt trận Đường số 4, các đại đội độc lập giúp đỡ nhiều đội du kích tập trung đánh giao thông, tập kích các vị trí địch ở Đông Khê, Thất Khê, Quảng Uyên, Văn Mịch, Hào Lịch, Áng Mò, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Đồng thời, với việc thực hiện đại đội độc lập đưa về các địa phương hoạt động, Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo các khu triển khai tiểu đoàn tập trung phối hợp với các đại đội độc lập và du kích đánh địch. Trên Mặt trận Sông Lô-Đường số 2, một tiểu đoàn của Bộ và các đơn vị của Khu 10 đánh tàu địch trên sông Lô, từ Việt Trì đến Tuyên Quang. Hai tiểu đoàn của Bộ cùng các đơn vị thuộc Trung đoàn 147 bố trí lực lượng hoạt động ở phía Nam đường liên tỉnh Tuyên Quang-Thái Nguyên. Tại mặt trận này, ta giành thắng lợi trong trận Khoan Bộ (ngày 23-10-1947), khẳng định cách đánh phục kích “đặt gần, bắn thẳng” và trận Đoan Hùng (ngày 24-10-1947), mở ra một phương pháp mới “đặt gần, bắn thẳng” của Bộ đội Pháo binh ta.

Trên hướng Mặt trận Đường số 3, Tiểu đoàn 55 (Trung đoàn 72) phối hợp với các đại đội độc lập và du kích đã đánh một số trận ở Khuội Hón, Khuội Tao, Kheo Phay, thị xã Bắc Kạn; đồng thời, Tiểu đoàn 55 còn đánh địch trên Đường số 3 từ Bắc Kạn đi Chợ Mới và Bắc Kạn-Phủ Thông, gây cho chúng một số thiệt hại. Đặc biệt, tại Mặt trận Đường số 4, Tiểu đoàn 249 (còn có phiên hiệu Tiểu đoàn 374) của Trung đoàn 28 phục kích địch ở đèo Bông Lau-Lũng Phầy (ngày 30-10-1947) giành thắng lợi oanh liệt. Tiếp đó, ngày 15-12-1947, Tiểu đoàn 102 (Trung đoàn 165) phục kích địch ở Đèo Giàng giành thắng lợi lớn, khiến quân địch hết sức kinh hoàng.

Trải qua hơn hai tháng thực hiện phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, góp phần vào thắng lợi vang dội của quân và dân ta trên Chiến trường Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, bảo vệ an toàn các cơ quan lãnh đạo và căn cứ kháng chiến, bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, đưa cuộc kháng chiến của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn mới.

Phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” được xác định là đội hình tác chiến chủ yếu hồi đó của bộ đội chủ lực ta. Chiến trường Việt Bắc chính là nơi minh chứng hiệu quả phương châm tác chiến do Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy xác định. Thành công đó thể hiện nét độc đáo, sáng tạo về nghệ thuật dùng binh, kinh nghiệm quý báu không chỉ ở tầm chiến dịch mà cả chiến lược, không chỉ trên Chiến trường Việt Bắc Thu-Đông năm 1947 mà trên phạm vi cả nước nhiều năm sau đó trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là kinh nghiệm quý cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

NGỌC SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/dai-doi-doc-lap-tieu-doan-tap-trung-net-doc-dao-sang-tao-trong-nghe-thuat-dung-binh-787257