Đại đội trưởng Trần Thái Quang - người chỉ huy pháo binh kiềm chế sân bay Điện Biên Phủ
Sáng 13-5-1954, lễ duyệt binh các đơn vị chiến thắng Điện Biên Phủ được tiến hành trọng thể tại cánh đồng Mường Phăng. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 675 vinh dự tự hào được nghe qua máy phóng thanh khi đoàn quân sơn pháo đi qua lễ đài: “Đây là các đơn vị sơn pháo 75 mi-li-mét đã dùng vai chuyển hàng trăm tấn thép, vận động hết đèo này qua đèo khác, theo sát bộ binh vào trung tâm trong hầu hết các chiến trận công kiên, đã yểm hộ đắc lực cho bộ binh phòng ngự trận địa, tấn công phản kích địch và chỉ riêng một khẩu đội đã bắn tan xác trên 10 máy bay - Đó là Đại đội 757…” (Đoàn pháo binh anh dũng, dự thảo, 1980, tr. 92).
Vinh dự thay, người chỉ huy trưởng Đại đội 757 (Trung đoàn 675) là Trần Thái Quang - một người con quê hương Nam Định.
Từ lá thư gửi đồng đội cũ
Đầu tháng 11-2008, Đại tá - Nhà văn Siêu Hải (1924-2012) nguyên Phó Trưởng phòng Khoa học Quân sự (Bộ Tư lệnh Pháo binh) nói với tôi gửi giúp ông một lá thư đến người đồng đội cũ tại thành phố Nam Định. Vì thị lực chỉ còn 1/10, Đại tá Siêu Hải không tự mình ra bưu điện gửi thư được. Dường như linh tính mách bảo có thể lá thư không đến tay người nhận, ông dặn tôi photocopy thêm vài bản để lưu. Thư đề người nhận là ông Trần Thái Quang. Xin được trích một phần nội dung dưới đây:
“Hà Nội, ngày 30-10-2008
Thái Quang ơi,
Siêu Hải đây, mình nhớ cậu vô cùng; hỏi Ngọc, Duy họ đều không có điện thoại của cậu. Chán quá, chẳng biết hỏi ai nữa. Nay mới có địa chỉ cậu, tớ viết thư vậy. Nghe tin cậu bị liệt lâu rồi, lại có tin là cậu chỉ lắp bắp được thôi. Mình thương nhớ cậu quá (…).
Cậu có nhớ hôm ra họp ở nhà anh (Phạm Văn) Đôn, ghi hình ảnh và lời phát biểu anh [Vũ] Hiển, Đôn, mình, cậu phát biểu. Đĩa hình này mình đã có, do Việt Châu ghi lại. Tớ đã in tặng anh Hiển, vợ anh Đôn, rất muốn gửi tặng cho bạn.
Chị Uyên ơi, nếu đúng là anh Quang bệnh tình như vậy, mong chị đọc cho anh nghe lá thư này và liên lạc với tôi để tôi tìm cách gửi các thứ chứng minh công lao của anh với Pháo binh Sông Lô và Pháo binh Việt Nam nữa. Hình như anh chị có 1 cháu gái ở Hà Nội, cháu đã đến nhà tôi 1 lần rồi. Nếu cháu còn ở Hà Nội, chị bảo cháu lại gặp tôi để gửi tới anh các thứ nói trên.
Rất mong có hồi âm của chị.
SIÊU HẢI”…
Thư không có hồi âm. Gần đây, khi nhờ nhà báo Trần Vân Anh (Báo Nam Định) tìm theo địa chỉ của ông Trần Thái Quang, tôi mới biết địa chỉ thay đổi, đường phố đổi tên, số nhà đánh lại (địa chỉ hiện tại: số 181 đường Nguyễn Bính). Đây chính là nguyên nhân khiến lá thư đi tìm đồng đội 16 năm trước của cây bút sử học pháo binh bặt vô âm tín. Sinh thời, nhà văn Siêu Hải khi bắt tay viết tiểu thuyết về Điện Biên Phủ vào đầu thập niên 1980 đã xây dựng cốt truyện với nguyên mẫu các nhân vật như Tiểu đội trưởng pháo Phùng Văn Khầu trên đồi E và “Đại đội trưởng Đại đội sơn pháo 757 Trần Thái Quang cùng với anh em trên 1 tháng chuyên “chọc tổ ong, tổ kiến” vào sân bay Điện Biên, cốt để cho địch biết rằng chúng vẫn bị quân ta siết chặt vòng vây vào tập đoàn cứ điểm” (Siêu Hải: Hồi ức Người lính - Nhà văn, tập 1, Nxb Thanh Niên).
Thêm một lần tiếc nuối, vì nhiều lý do, bản thảo sách không chờ đợi được thời gian để xuất bản đã mủn nát, vô phương cứu vãn.
Huân chương Quân công đầu tiên
“Vinh dự lớn nhất với Đại đội 757, là đơn vị được tặng thưởng nhiều Huân chương nhất trong một chiến dịch, trong đó có một Huân chương Quân công đầu tiên”, ông Trần Thái Quang tự hào nhớ lại những ngày tháng chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đánh giá là pháo đài bất khả xâm phạm với 49 cụm cứ điểm xây dựng kiên cố. Trung tá Pirot - Chỉ huy pháo binh kiêm chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm, là một sĩ quan kỳ cựu từ thời Đại chiến thế giới thứ 2. Với một cánh tay cụt đến tận bả vai, viên chỉ huy pháo binh này ngạo nghễ tuyên bố với Chỉ huy trưởng Đờ Cát: “Pháo của Việt Minh nếu đặt ngoài bắn vào thì không tới, còn nếu họ dám liều lĩnh vào đặt pháo trên các dãy núi xung quanh bắn vào đây, thì thưa ngài, tôi sẽ bắt họ phải câm họng trước khi bắn viên thứ hai”.
Trong lúc đó, khoảng cuối tháng 1-1954, Đại đội sơn pháo 757 đã bí mật vào chiếm lĩnh trận địa trên dãy núi Tà Lèng phía đông Điện Biên Phủ. Còn các đơn vị khác đang lặng lẽ rút ra để tiếp tục chuẩn bị cho chuyển hướng chiến dịch sang đánh dài ngày. Nhiệm vụ của Đại đội 757 là khống chế pháo binh địch, phối thuộc và yểm hộ bộ binh Đại đoàn 316 tiến công tiêu diệt các đồi A1, C1 và C2.
Sáng 3-2-1954, tức mồng một Tết âm lịch Giáp Ngọ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ gọi điện thoại chúc Tết Nguyên đán Đại đoàn 316. Trung tướng Doãn Tuế - nguyên Trưởng ban Pháo binh Chiến dịch Điện Biên Phủ đã viết trong hồi ký “Kể về đồng đội” (Nxb Quân đội Nhân dân) nhắc đến sự kiện này. Đại tướng hỏi thăm tình hình các đơn vị sơn pháo phối thuộc trong đó có Đại đội 757. Để thay tiếng pháo Tết đón mừng năm mới, Chỉ huy trưởng Chiến dịch ra lệnh cho sơn pháo 75 ly bắn vào sân bay. Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316 Lê Quảng Ba điện cho Đại đội trưởng 757 Trần Thái Quang phát lệnh phải bắn trúng!
“Sau khi hiệu chỉnh - Trung tướng Doãn Tuế kể - 10 quả đạn liên tiếp bay đi đã nổ trúng khu vực mục tiêu. Một chiếc Mo-ran bốc cháy ngùn ngụt. Đây là chiến công đầu tiên của pháo binh ta trên chiến trường Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện tới báo tin tặng thưởng Đại đội Huân chương Quân công hạng Ba và căn dặn đề phòng địch trả thù”.
Một tuần sau, ngày 10-2-1954 trong vòng 5 phút cấp tập chớp nhoáng chỉ với 10 quả đạn, pháo binh ta đã bắn tan xác 4 máy bay địch trên sân bay. Có một phát đạn nổ giữa làm 2 máy bay Moran cháy bùng tại chỗ. Không quân Pháp phải chuyển hướng sang tiếp tế ban đêm và máy bay thường trực đã không còn chủ quan đậu dăng hàng trên sân băng nữa.
Qua hồi ức được in trong sách “Nhớ mãi thuở chân đồng vai sắt”, tập truyện ký về pháo binh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông Trần Thái Quang kể lại: Chỉ với 3 khẩu sơn pháo 75 ly trên dãy núi phía đông Điện Biên Phủ, trung bình khoảng 5-7 ngày một trận, Đại đội 757 đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ kiềm chế sân bay Mường Thanh mà Bộ chỉ huy Mặt trận giao cho. Hơn một chục máy bay các loại đã bị tan xác. Bằng những trận đánh mưu trí, hiệu quả của mình, Đại đội 757 sơn pháo 75 ly đã khiến Sân bay Mường Thanh không được bảo vệ hữu hiệu như Trung tá Pirot huênh hoang. Việc tiếp tế đường không phải thực hiện bằng thả dù từ trên cao, có từ 1/3 đến 1/2 số quân trang quân dụng đã rơi xuống trận địa quân ta.
Trung tướng Doãn Tuế đánh giá: “Nghĩ tới đại đội pháo dũng cảm ấy là ai nấy đều nghĩ tới những người chỉ huy từng trải của nó. Trần Thái Quang, cũng như Lê Văn Oanh, Nông Văn Cờ và biết bao anh em khác đã ra đi từ pháo đài Xuân Canh năm xưa”.
Mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ
Sau khi kết thúc Kháng chiến chống Pháp, Trần Thái Quang lần lượt làm Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Pháo binh 810, Sư đoàn 304 (1954-1955); Tham mưu phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn Pháo binh 68, Sư đoàn 304 (1955-1962); Trợ lý nghiên cứu khoa học Quân khu Hữu ngạn (1962) và đến năm 1964 ông chuyển ngành về làm công tác dân sự. Được phân công về công tác ở Hà Nội, phân nhà nhưng ông chỉ muốn về quê hương. Ông đưa cả gia đình về xã Hải Trung (Hải Hậu), sau mới lên thành phố Nam Định. Về tỉnh, ông lần lượt làm Phó Ban Kiến thiết cơ bản tỉnh Nam Hà; Giám đốc Xí nghiệp Dệt Dân Sinh, Giám đốc Mỏ than Đồi Hoa (Hòa Bình) trực thuộc Ty Công nghiệp Nam Hà cho đến khi nghỉ hưu (tháng 7-1971).
Ông Dương Công Chiêm, 84 tuổi, 55 năm tuổi Đảng, nhà giáo nghỉ hưu, là người đồng chí sinh hoạt cùng chi bộ, hàng xóm lâu năm của cụ Thái Quang phấn khởi chia sẻ: “Tôi đã có 29 năm sống, sinh hoạt cùng chi bộ khu phố với cụ Quang. Cụ đúng là người đảng viên mẫu mực luôn nêu gương “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”, luôn giữ phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ. Bao nhiêu năm tham gia cấp ủy ở cơ sở, lúc nào cũng toàn tâm, toàn ý lo cho việc chung của khu dân cư, không màng lợi ích cá nhân, không nề hà việc khó, việc khổ. Phố Nguyễn Bính này được đẹp đẽ, khang trang như hôm nay là có sự quan tâm rất lớn của tỉnh và của thành phố. Nhưng nền tảng xây dựng, cải tạo đê Tiền Phong xưa cũng phải ghi nhận sự đóng góp nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở đây với vai trò lãnh đạo, xung phong của đồng chí Bí thư Chi bộ - cụ Thái Quang. Đê Tiền Phong hồi gia đình tôi và cụ Thái Quang mới về an cư còn nghèo nàn, khó khăn lắm, làm gì có điện đường, nước sạch sinh hoạt, mặt đường đất, mưa là lầy lội, đi xe đạp khối người bị ngã. Tôi cũng có lần ngã lăn xuống vệ đường đấy. Trước cảnh sinh hoạt khó khăn của khu phố, ông Quang và tập thể chi bộ không ngồi yên. Ông Quang cùng cán bộ cấp ủy, những người có uy tín ở khu phố vào Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định xin hỗ trợ kinh phí để đổ đá cải tạo mặt đường. Chúng tôi phải mấy lần huy động sức dân cải tạo dần từ đường đất lầy lội, ổ voi ổ gà, dần mới có mặt đường cứng. Rồi ông Quang lại cùng các đảng viên trong chi bộ góp tiền, vận động bà con đóng góp mua cột, dây, bóng điện kéo suốt từ ngoài đường Ninh Bình cũ (nay là đường Văn Cao) vào khoảng 500 mét, từ đấy khu phố mới có điện chiếu sáng, khang trang, đi lại an toàn. Năm 2011, cụ Quang mất, bà con khu phố tôi ai cũng nhớ tiếc cụ, một người cán bộ đảng viên hơn 60 năm tuổi Đảng luôn gương mẫu, hăng hái, mẫn cán chăm lo việc chung”.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một chiến thắng đã “ghi dấu mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của dân tộc, xin kính cẩn nghiêng mình tri ân những anh hùng liệt sĩ “gan không núng, chí không mòn”, trong đó có người chỉ huy pháo binh tài năng Trần Thái Quang - một người con của quê hương Nam Định đã góp phần làm nên “thiên sử vàng”!