Dải Gaza mất bao lâu để vực dậy từ tro tàn?

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas không chỉ phá hủy gần như toàn bộ Dải Gaza mà còn khiến nền kinh tế khu vực này hoàn toàn suy kiệt.

Khoảng 1/4 số các công trình ở Dải Gaza đã bị phá hủy hoặc bị hư hại nghiêm trọng. (Nguồn: AP)

Khoảng 1/4 số các công trình ở Dải Gaza đã bị phá hủy hoặc bị hư hại nghiêm trọng. (Nguồn: AP)

Liên hợp quốc (LHQ) từ lâu đã cảnh báo có thể phải mất hàng thập kỷ để tái thiết Dải Gaza sau các cuộc tấn công của Israel nhằm vào lực lượng Hamas. Tuy nhiên, sau hơn một năm kể từ khi xung đột nổ ra, các chuyên gia cho rằng, phải cần hàng thế kỷ để trả dải đất này trở về “hình hài” như trước khi khói lửa.

Hoang tàn vì bom đạn

Báo cáo của Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) ngày 21/10 khẳng định, dù cho xung đột có kết thúc vào ngay ngày hôm sau hay Dải Gaza quay lại trước sự kiện ngày 7/10/2023, cũng sẽ mất tới 350 năm để nền kinh tế của khu vực này trở về thuở còn chưa chìm trong tiếng bom đạn.

Cuộc xung đột hiện tại đang khoét sâu thêm những vết thương và khiến cho nền kinh tế của khu vực thêm kiệt quệ. Hàng loạt khu dân cư bị xóa sổ, đường xá, các cơ sở hạ tầng trọng yếu bị hủy hoại. Theo báo cáo của UNCTAD, ngay cả khi đạt được lệnh ngừng bắn, việc trở lại tình trạng như trước tháng 10/2023 cũng không thể đưa Dải Gaza đến con đường phục hồi và phát triển bền vững.

“Nếu xu hướng tăng trưởng từ năm 2007–2022 trở lại với tốc độ tăng trưởng trung bình chỉ 0,4%, Dải Gaza phải mất tới 350 năm mới khôi phục được mức GDP của năm 2022”, báo cáo nhấn mạnh.

Tác giả của báo cáo, ông Rami Alazzeh dựa trên sự sụp đổ của nền kinh tế Dải Gaza trong bảy tháng đầu tiên chìm trong xung đột cùng với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của khu vực từ năm 2007-2022 để tính toán thời gian cần thiết cho quá trình phục hồi. Tuy nhiên, theo ông Alazzeh, việc đưa Dải Gaza trở lại như trước phụ thuộc vào tình hình thực tế mà dải đất này có khả năng đối mặt.

Cuối tháng 1/2024, Ngân hàng thế giới (World Bank) ước tính thiệt hại tại Dải Gaza lên tới 18,5 tỷ USD – gần bằng tổng sản lượng kinh tế của Bờ Tây và Dải Gaza năm 2022. Nhưng đó là trước khi Israel triển khai các chiến dịch trên bộ khốc liệt tại thành phố biên giới Rafah ở phía Nam. Theo LHQ, 66% các công trình ở khu vực này bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng, trong đó hơn 227.000 đơn vị nhà ở thiệt hại đáng kể.

Liên minh quốc tế về hỗ trợ chỗ ở do Hội đồng Người tị nạn Na Uy đứng đầu cho biết, phải mất 40 năm để xây dựng lại tất cả các ngôi nhà bị phá hủy dưới Cơ chế tái thiết Dải Gaza. Cơ chế này được thiết lập sau cuộc xung đột năm 2014 để tạo điều kiện tái thiết nơi đây dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Israel. Dù vậy, kể từ đó đến nay, quá trình này thường xuyên rơi vào tình trạng chậm trễ.

Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, với giả thuyết tốc độ tăng trưởng của khu vực dự kiến lên đến 10%, Dải Gaza vẫn sẽ mất nhiều thập kỷ để phục hồi.

Viễn cảnh u ám

Theo UNCTAD, giả sử không có chiến dịch quân sự nào diễn ra, người dân được tự do di chuyển hàng hóa và đi lại, mức đầu tư phục hồi đáng kể và tốc độ tăng trưởng dân số hàng năm là 2,8%, thì vào năm 2050, GDP bình quân đầu người của Dải Gaza sẽ trở về mức năm 2022.

Báo cáo do Chương trình phát triển LHQ công bố ngày 22/10 cũng cho thấy, trong trường hợp có các khoản đầu tư lớn và việc dỡ bỏ hạn chế kinh tế, nền kinh tế Palestine, bao gồm cả Bờ Tây, có thể phục hồi ổn định vào năm 2034.

Kể từ tháng 5/2024, Israel đã kiểm soát toàn bộ các cửa khẩu biên giới của Dải Gaza khiến LHQ và các tổ chức nhân đạo quốc tế gặp nhiều khó khăn trong việc đưa thực phẩm và viện trợ khẩn cấp vào khu vực này. Giao tranh dự báo sẽ tiếp diễn và Dải Gaza vẫn trong tình trạng hỗn loạn.

Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy các nhà tài trợ quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Dải Gaza tái thiết, nhất là khi giao tranh vẫn diễn ra hay khi vùng lãnh thổ này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel.

Các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ chỉ tài trợ nếu có một lộ trình rõ ràng cho việc thành lập Nhà nước Palestine, điều mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu kiên quyết phản đối.

Ở thời điểm hiện tại, cuộc xung đột vẫn leo thang không ngừng và chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Đầu tháng 10/2024, Israel phát động một chiến dịch lớn khác ở phía Bắc Dải Gaza, vốn là khu vực bị tàn phá nặng nề nhất, cáo buộc Hamas tái tập hợp lực lượng tại đây.

“Mọi người kêu gọi ngừng bắn, nhưng lại quên mất rằng khi lệnh ngừng bắn được thực hiện, 2,2 triệu người Palestine sẽ thức dậy trong tình trạng không nhà cửa, trẻ em không được đến trường, không có trường đại học, bệnh viện hay đường xá”, ông Alazzeh nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, Dải Gaza phải mất thời gian rất lâu để tái thiết và quá trình này chắc chắn không thể thực hiện được nếu khu vực tiếp tục bị phong tỏa.

Dường như tương lai của Dải Gaza sau cuộc xung đột với Israel luôn vô cùng u ám, thời gian phục hồi dự kiến kéo dài hàng thế kỷ. Mặc dù lệnh ngừng bắn có thể giúp vùng đất này giảm leo thang bạo lực, nhưng việc tái thiết bị cản trở nghiêm trọng, chừng nào vùng đất này vẫn mắc kẹt trong các chính sách phong tỏa, thiếu hụt đầu tư quốc tế và bất ổn chính trị.

Nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế cùng với việc cải thiện điều kiện kinh tế và xã hội cho Dải Gaza, viễn cảnh phục hồi nhanh chóng có lẽ là một mục tiêu xa vời.

Ngọc Anh (theo SCMP)

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-gaza-mat-bao-lau-de-vuc-day-tu-tro-tan-291244.html