'Đại gia' bán dẫn TSMC khánh thành nhà máy chip đầu tiên tại Nhật Bản

TSMC – xưởng đúc bán dẫn lớn nhất thế giới – vừa khánh thành nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản, mở đường cho việc sản xuất chip điện thoại và ô tô Sony, Renesas từ cuối năm nay.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Ken Saito cùng hàng trăm nhà lãnh đạo ngành công nghiệp chip Nhật Bản đã tập trung tại Kumamoto để tham dự lễ kỷ niệm vào chiều thứ Bảy (24/2), cùng với Chủ tịch TSMC Mark Liu, CEO CC Wei và nhà sáng lập Morris Chang.

Cùng ngày, Thủ tướng Fumio Kishida thông báo Nhật Bản sẽ tài trợ cho nhà máy TSMC thứ hai ở Kumamoto. Trong video được chiếu tại lễ khai trương nhà máy đầu tiên, ông Kishida cho biết chính phủ của ông sẽ tiếp tục "hành động nhanh chóng" để hỗ trợ ngành công nghiệp thông qua tài trợ và nới lỏng các hạn chế. METI cũng chia sẻ sẽ trợ cấp tối đa 732 tỷ yên (4,86 tỷ USD) cho nhà máy thứ hai.

TSMC khai trương nhà máy đầu tiên của mình tại Nhật Bản ngày 24/2. (Ảnh: Nikkei)

TSMC khai trương nhà máy đầu tiên của mình tại Nhật Bản ngày 24/2. (Ảnh: Nikkei)

Nhà máy đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với TSMC, trở thành nhà máy nước ngoài đầu tiên từ năm 2018. Sau một thời gian sản xuất thử nghiệm, hãng bắt đầu sản xuất đại trà từ năm 2024.

Tại đây, chip từ 12nm đến 28nm sẽ được sản xuất. Những con chip này phù hợp với nhiều mục đích sử dụng trong ô tô và điện tử tiêu dùng. Nhà máy TSMC Nhật Bản được công bố vào cuối năm 2021 trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu chưa từng có làm gián đoạn sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp.

Trước lễ khai trương, TSMC tuyên bố sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư vào Nhật Bản lên hơn 20 tỷ USD, bao gồm cả nhà máy chip thứ hai với nhà đầu tư mới Toyota Motor. Nhà máy này sẽ sản xuất các chip 6nm và 7nm tiên tiến hơn, sử dụng trong điện toán công nghiệp và hiệu suất cao, dự kiến hoạt động vào cuối năm 2027.

Nhật Bản đang nỗ lực lớn để hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn hùng mạnh một thời, cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng để lôi kéo các nhà sản xuất chip toàn cầu. Dù thông qua chính sách muộn hơn Đạo luật CHIPS của Mỹ, đã có một số dự án nhận được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản. Đối với một số dự án như TSMC, Micron và Samsung Electronics tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng cấp tới 50% trợ cấp, tạo ra một lợi thế về tốc độ và quy mô mà các quốc gia khác không thể cạnh tranh.

Trong khi đó, Nhà Trắng mới phê duyệt trợ cấp cho GlobalFoundries, BAE Systems. Chương trình trợ cấp của Mỹ đi kèm với các ràng buộc, chẳng hạn cấm người nhận mở rộng sản xuất chip ở "các quốc gia đáng lo ngại" như Trung Quốc trong 10 năm tới.

Theo nhà phân tích bán dẫn kỳ cựu Arisa Liu, hành động nhanh chóng của Chính phủ Nhật Bản khiến nước này trở thành điểm đến hàng đầu cho các nhà sản xuất chip Đài Loan (Trung Quốc) đang tìm cách mở rộng sản xuất ra nước ngoài. Với khả năng làm chủ sản xuất của Đài Loan và chuyên môn về máy móc, vật liệu sản xuất chip của Nhật Bản, có thể mong đợi nhiều hợp tác hơn trong tương lai, ông Liu nhận xét.

Khách hàng Nhật Bản chiếm 6% tổng doanh thu 69,3 tỷ USD của TSMC trong năm 2023. Ngoài ra, các công ty Nhật Bản như Tokyo Electron và Shin-Etsu Chemical đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thiết bị và vật liệu cần thiết cho sản xuất chip tiên tiến của TSMC. Năm 2019, “gã khổng lồ” đã thành lập Trung tâm Thiết kế Nhật Bản tại tỉnh Ibaraki để hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ đóng gói tiên tiến.

Brady Wang, nhà phân tích của Counterpoint Research, cho biết bằng cách thiết lập hoạt động tại Nhật Bản, TSMC không chỉ có quyền truy cập vào các ngành công nghiệp vật liệu và thiết bị bán dẫn tiên tiến của đất nước mà còn tăng cường quan hệ đối tác với các hãng công nghệ lớn ở Nhật Bản và trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông Wang cho biết vẫn có thể có những thách thức như xóa nhòa khác biệt văn hóa.

(Theo Nikkei)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-gia-ban-dan-tsmc-khanh-thanh-nha-may-chip-dau-tien-tai-nhat-ban-2252660.html