Đại gia Hàn Quốc lọt top 4 môi giới chứng khoán tại Việt Nam
Thị phần các công ty chứng khoán lớn nhìn chung có dấu hiệu đi xuống, trong khi đó chỉ thị phần VPS, Mirae Asset và MBS mở rộng trong quý vừa qua.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trong quý III của 10 công ty chứng khoán lớn nhất, với một số thay đổi đáng kể.
Chứng khoán VPS vẫn giữ vững vị trí số 1 về thị phần với con số 18,71%, nhảy vọt so với 17,1% của quý trước. Đây cũng là quý thứ 6 liên tiếp công ty chứng khoán này dẫn đầu ngành và ngày càng bỏ xa các đơn vị phía xa.
Chứng khoán SSI và VNDirect tương tự vẫn duy trì vị trí thứ 2 và thứ 3 với thị phần lần lượt là 9,6% và 7,7%, giảm nhẹ 0,3-0,4% so với quý liền trước.
Biến động đáng chú ý nhất là việc Mirae Asset Việt Nam nhảy bậc từ vị trí thứ 6 lên hạng 4, với con số 5,85% trong quý này. Thị phần của công ty chứng khoán đến từ Hàn Quốc đã tăng thêm 0,75% trong giai đoạn vừa qua.
Trong khi đó, ông lớn ngành môi giới cổ phiếu ở Việt Nam các năm trước là Chứng khoán TP.HCM (HSC) đang cho thấy những dấu hiệu thụt lùi lớn. Thị phần tiếp tục giảm từ 6,1% xuống còn 5,6%, qua đó bị chính Mirae Asset đẩy xuống vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng.
Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng bị thụt lùi thị phần nhẹ 0,14% xuống còn 5,23%, đứng ở vị trí thứ 6. Các vị trí tiếp theo là MBS (4,7%), Bản Việt (4,5%), FPTS (3%) và KIS (2,7%); trong đó chỉ có MBS tăng trưởng về thị phần so với quý liền trước.
Tổng thị phần của nhóm 10 công ty dẫn đầu đạt 67,64%, giảm so với con số 68,05% của quý II. Điều này cho thấy thị phần đã giãn đều hơn về phía các nhà môi giới chứng khoán nhỏ hơn.
Thị trường chứng khoán chứng kiến biến động lớn trong quý vừa qua, khi hồi phục đáng kể trong tháng 7-8 nhưng rồi lao dốc dữ dội về cuối tháng 9. VN-Index vẫn giảm tổng cộng 5,47% về 1.132 điểm.
Thanh khoản thị trường cũng lao dốc khi dòng tiền bị thu hẹp. Giá trị giao dịch riêng tháng 9 tiếp tục giảm 14% về 13.396 tỷ đồng, thậm chí nhiều phiên khớp lệnh rơi xuống dưới 10.000 tỷ đồng, trái ngược với kỳ vọng sôi nổi sau khi áp dụng chu trình thanh toán mới T+2,5.