Đại gia kim cương 'ngã ngựa' trong cuộc khủng hoảng 80 tỷ USD
Ngành kim cương toàn cầu đang trải qua cú sốc lớn khi nhu cầu giảm mạnh, giá kim cương lao dốc và De Beers - gã khổng lồ từng thống trị thị trường - đang vật lộn để tồn tại.
Ngành công nghiệp kim cương, từng là biểu tượng tối thượng của sự xa xỉ và quyền lực, đang trải qua cơn địa chấn lớn nhất trong lịch sử. Hàng loạt cửa hàng xa xỉ tại New York, Thượng Hải hay Dubai phải đối mặt với tình trạng tồn kho khổng lồ, khi khách hàng ngày càng quay lưng với kim cương tự nhiên.
De Beers - tập đoàn từng kiểm soát gần như toàn bộ thị trường kim cương thế giới - đang lao đao trong tâm bão và đẩy tập đoàn mẹ Anglo American vào tình thế khó khăn khi muốn rút lui khỏi lĩnh vực này.
Khi những yếu tố như kim cương nhân tạo, suy thoái kinh tế và biến động chính trị tiếp tục đan xen, tương lai của ngành công nghiệp kim cương đang được tái định hình để có thể tồn tại và phát triển.
Khi kim cương không còn là vĩnh cửu
Được thành lập năm 1888 bởi nhà tư bản thực dân Cecil Rhodes, De Beers từng kiểm soát gần 90% sản lượng kim cương toàn cầu và duy trì thế độc quyền suốt thế kỷ 20 bằng cách tích trữ hàng tỷ USD đá quý trong các hầm bảo mật tại trụ sở London, theo Bloomberg.
Không chỉ thống trị nguồn cung, De Beers còn là "cỗ máy" marketing siêu hạng. Hợp tác với các chuyên gia quảng cáo Madison Avenue, họ biến kim cương thành biểu tượng tối thượng của tình yêu và sự xa xỉ.
Chính De Beers là người sáng tạo nên khẩu hiệu kinh điển “A diamond is forever” (Kim cương là vĩnh cửu) và đặt ra quy tắc nhẫn cầu hôn phải có giá trị tương đương vài tháng lương.
Thế độc quyền của công ty chỉ sụp đổ vào đầu thế kỷ 21, sau khi thua kiện trong cuộc chiến pháp lý kéo dài 10 năm với Mỹ về thao túng giá. Mặc dù thị phần suy giảm, De Beers vẫn chiếm khoảng 1/3 nguồn cung kim cương toàn cầu.
Nhưng giờ đây, gã khổng lồ này đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Thị trường kim cương toàn cầu lao dốc không phanh, giá đá thô giảm gần 50% trong 2 năm qua trong khi giá kim cương chế tác giảm khoảng 35%. Những viên đá quý từng được săn đón nay trở thành gánh nặng tồn kho.
Những cuộc gặp gỡ bí mật giữa De Beers và nhóm khách hàng đặc quyền từng là biểu tượng của quyền lực tuyệt đối. Trong nhiều thập kỷ, giới tinh hoa trong ngành kim cương tập hợp 10 lần mỗi năm tại các sự kiện bí mật do De Beers tổ chức, nơi hàng trăm triệu USD đá quý thô được giao dịch chỉ trong vài ngày. Nhưng giờ đây, những thương vụ ấy gần như biến mất.
Những khách hàng được chọn - một nhóm nhỏ những nhà buôn kim cương danh tiếng - từ lâu đã chấp nhận mức giá do De Beers đặt ra mà không hề thắc mắc. Mối quan hệ này từng có rất nhiều lợi ích, nhiều chủ doanh nghiệp gia đình trong ngành, gọi là “Principles”, đã trở thành triệu phú, thậm chí tỷ phú khi thị trường bùng nổ.
Sự sụt giảm nhu cầu nghiêm trọng khiến các khách hàng truyền thống quay lưng, còn tập đoàn mẹ Anglo American thì tìm mọi cách để rút lui khỏi mảng kinh doanh này.
Khủng hoảng của De Beers chỉ là một phần của bức tranh đen tối bao trùm toàn ngành kim cương trị giá 80 tỷ USD trải dài từ các mỏ đá quý ở Botswana đến những cửa hàng trang sức sang trọng trên Đại lộ số 5, New York.
Ở phân khúc kim cương giá rẻ, làn sóng đá tổng hợp đang lấn át đá tự nhiên, đặc biệt trong trang sức thời trang và nhẫn đính hôn phân khúc thấp, từ đó đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của ngành khai thác kim cương.
Dẫu vậy, một số dấu hiệu phục hồi đã bắt đầu xuất hiện, đặc biệt tại Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng ngành kim cương sẽ cần tái cấu trúc toàn diện để thích nghi với thực tế mới.
Thị trường Trung Quốc: Con dao hai lưỡi
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ kim cương lớn thứ hai thế giới, từng là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp này. Nhưng kể từ đại dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm xa xỉ của người tiêu dùng Trung Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng. Lĩnh vực kim cương thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi nhu cầu giảm 50% so với trước đại dịch, khiến toàn ngành rúng động.
Sự bất ổn kinh tế, lo lắng về tương lai cùng với làn sóng kim cương nhân tạo giá rẻ tràn vào thị trường đã khiến nhiều người trẻ Trung Quốc quay lưng với kim cương tự nhiên.
“Người dân không còn chi tiêu mạnh tay cho trang sức kim cương như trước đây, bởi họ lo lắng về kinh tế và thu nhập cá nhân trong tương lai”, ông Liu Houxiang, chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Kiểm định Đá quý Quốc gia Trung Quốc, nhận định.
Sự suy giảm nhu cầu đã tạo ra một hệ lụy khổng lồ, hàng loạt cửa hàng kim hoàn tại Trung Quốc ồ ạt bán lại kim cương tồn kho. Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi tháng có khoảng 30-40 triệu USD kim cương chế tác dư thừa bị đẩy ngược về thị trường bán buôn Ấn Độ, nâng tổng số kim cương “hồi hương” lên 700 triệu USD.
Do đó, một ngành công nghiệp mới đã hình thành, đó là đánh bóng lại những viên kim cương mang nhãn của các thương hiệu xa xỉ Trung Quốc để bán ra thị trường quốc tế. Hơn 1 tỷ USD kim cương đã tái lưu thông ngay trong nội địa Trung Quốc, khiến giá cả trên toàn cầu lao dốc không phanh.
“Thị trường Trung Quốc đã chết”, William Lamb, CEO của Lucara Diamond Corp., công ty khai thác một số viên kim cương lớn nhất thế giới, thẳng thắn nhận định. “Tôi không thấy có dấu hiệu phục hồi nào trong vài năm tới”.
“Cơn ác mộng” của De Beers: Kim cương nhân tạo
Nếu sự sụt giảm nhu cầu từ Trung Quốc là một cú sốc lớn, thì sự trỗi dậy của kim cương nhân tạo lại là cú đánh chí mạng đối với kim cương tự nhiên.
Kim cương nhân tạo từng bị xem là một mối đe dọa xa vời, nhưng giờ đây lại trở thành "cơn ác mộng" thực sự đối với ngành công nghiệp này. Năm 1953, một công ty Thụy Điển đã tạo ra viên kim cương nhân tạo đầu tiên. Tuy nhiên, công nghệ chưa đủ tiên tiến để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Nhưng trong thập kỷ qua, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt.
Với những cải tiến công nghệ vượt bậc, kim cương nhân tạo ngày nay gần như không thể phân biệt bằng mắt thường so với kim cương tự nhiên. Chúng được tạo ra từ một mầm carbon nhỏ, đặt trong buồng vi sóng và nung nóng đến trạng thái plasma rực sáng, sau đó kết tinh thành kim cương trong vòng vài tuần. Chỉ có những thiết bị kiểm định chuyên dụng mới có thể phân biệt được hai loại đá này.
Chi phí sản xuất kim cương nhân tạo ngày càng giảm, khiến giá bán sụt giảm đến 90% trong vòng 5 năm qua. Nếu trước đây, một viên kim cương nhân tạo có giá gần tương đương với kim cương khai thác, thì giờ đây, giá bán sỉ chỉ cao hơn một chút so với chi phí sản xuất.
Sản lượng kim cương nhân tạo đã tăng gấp 10 lần chỉ trong 6 năm qua, đẩy giá kim cương tự nhiên vào vòng xoáy đi xuống.
Điều này khiến người tiêu dùng dần thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì bỏ ra hàng nghìn USD cho một viên kim cương tự nhiên, họ có thể mua kim cương nhân tạo với chất lượng hoàn hảo với giá chỉ bằng một phần nhỏ.
De Beers cũng từng nỗ lực đối phó với làn sóng này bằng cách tung ra thương hiệu Lightbox vào năm 2018, chuyên bán kim cương nhân tạo giá rẻ. Nhưng ngay cả chiến lược này cũng không thể cạnh tranh với sự bùng nổ sản xuất từ Trung Quốc và Ấn Độ, khiến De Beers phải tuyên bố từ bỏ mảng kinh doanh này vào năm ngoái.
CEO Al Cook của De Beers ví von: "Đây giống như việc treo một bức tranh in của Mona Lisa trong viện bảo tàng và nói rằng đó là bản gốc. Một viên kim cương tự nhiên cần hàng tỷ năm để hình thành, còn kim cương nhân tạo chỉ mất ba tuần trong lò vi sóng".
Căng thẳng chất chồng và hy vọng le lói
Khi thị trường lao dốc, De Beers lại đối mặt với sự phản đối từ chính các đối tác mua kim cương.
Tại phiên đấu giá tháng 11/2023 ở Botswana, khách hàng phát hiện giá kim cương thô của De Beers cao hơn 25% so với thị trường thứ cấp. Hàng loạt người mua từ chối giao dịch, tạo nên làn sóng phản đối gay gắt.
Đến tháng 12 cùng năm, công ty buộc phải giảm giá 10-15%, nhưng mức giá vẫn quá cao so với thực tế. Không dừng lại ở đó, De Beers còn loại bỏ quyền từ chối một phần hàng, buộc khách hàng phải mua cả những viên kim cương kém hấp dẫn. Điều này càng khiến mâu thuẫn thêm căng thẳng.
Sóng gió tiếp tục khi De Beers tuyên bố cắt giảm số lượng khách hàng được cấp phép (sightholders) từ 70 xuống còn khoảng 50, đồng thời yêu cầu họ mua thêm kim cương nếu muốn duy trì vị thế.
Hậu quả là các phiên đấu giá gần đây vắng bóng nhiều CEO, và dù De Beers đang ôm tồn kho trị giá khoảng 2 tỷ USD, nhiều người vẫn kiên quyết từ chối mua hàng.
Mâu thuẫn này diễn ra trong thời điểm nhạy cảm khi Anglo American - công ty mẹ của De Beers - đang tìm cách thoái vốn. Họ muốn bán De Beers với giá tốt nhất có thể, thay vì bán tháo trong hoảng loạn. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều.
Anglo American đã lên kế hoạch bán mảng than đá, tách mảng bạch kim, và kim cương chính là bước cuối cùng trong chiến lược tái cấu trúc. Trong khi chờ đợi, họ yêu cầu De Beers ngừng tích trữ kim cương tồn kho và cắt giảm chi phí tối đa để giảm áp lực tài chính.
Dù thị trường đang trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng, một số chuyên gia vẫn nhìn thấy điểm sáng. Khi giá kim cương nhân tạo giảm quá thấp, người tiêu dùng có thể không còn coi chúng là mặt hàng xa xỉ, giúp khôi phục vị thế của kim cương tự nhiên.
"Cuối cùng, kim cương nhân tạo và kim cương tự nhiên sẽ thuộc về hai phân khúc khác nhau", Manish Shah, chủ sở hữu GEMXO, nhận định.
Bên cạnh đó, doanh số trang sức kim cương tại Mỹ trong dịp lễ cuối năm (từ Lễ tạ ơn đến năm mới) vẫn khả quan - một tín hiệu tích cực cho thị trường quan trọng nhất thế giới. Ấn Độ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh, và một số thương hiệu xa xỉ tại Trung Quốc cũng bắt đầu phục hồi.
De Beers cam kết đầu tư mạnh cho quảng bá, với ngân sách tiếp thị lớn nhất trong 15 năm qua nhằm kích thích nhu cầu.
Dù có những tia hy vọng, nhiều chuyên gia lo ngại ngành kim cương sẽ không bao giờ trở lại thời kỳ hoàng kim. Những phân khúc đã bị kim cương nhân tạo chiếm lĩnh có thể đã mất đi vĩnh viễn, trong khi Trung Quốc khó có thể lấy lại vai trò "cỗ máy tiêu thụ kim cương" như trước đại dịch.
Thị trường chứng khoán cũng thể hiện sự mất kiên nhẫn. Các công ty khai thác kim cương nhỏ từng được kỳ vọng nay gần như biến mất, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc chỉ còn là cổ phiếu "rác".
"Năm qua thực sự rất khó khăn", Anish Aggarwal, đối tác tại công ty tư vấn Gemdax, nhận xét. "Nhưng vẫn có con đường dẫn đến tương lai tốt đẹp hơn. Ngành công nghiệp này cần phải tái cấu trúc và kích thích lại nhu cầu".