'Đại giới đàn Trí Tấn: Lần đầu tiên tổ chức theo khu vực, với mục tiêu xem trọng chất lượng'

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập GHPGVN (1981), việc tổ chức Đại giới đàn đồng bộ từ hình thức đến nội dung, theo cụm (khu vực) gồm nhiều tỉnh, thành phố được Giáo hội chủ trương thực hiện.

Đại giới đàn Trí Tấn gồm các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức được xem là thí điểm sự kiện Tăng-già đặc thù này do Trung ương GHPGVN chỉ định thực hiện.

Hòa thượng Thích Huệ Thông

Hòa thượng Thích Huệ Thông

Chia sẻ với Báo Giác Ngộ, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Kiến đàn cho biết:

- Thực hiện theo huấn thị của Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Nghị quyết Đại nghị Hội đồng Chứng minh GHPGVN, cùng sự chỉ đạo của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư, Đại giới đàn Trí Tấn được tổ chức theo cụm miền Đông Nam Bộ, thực hiện đầu tiên để làm kiểu mẫu áp dụng chung cho Đại giới đàn khu vực.

Theo tôi, điểm nổi bật của Đại giới đàn Trí Tấn lần này do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức được sự chỉ đạo trực tiếp của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, Ban Tăng sự T.Ư và Văn phòng II T.Ư để thành lập Ban Kiến đàn với sự tham gia của những vị lãnh đạo Ban Trị sự 5 tỉnh trong khu vực. Từ đó, Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh, đơn vị đăng cai kết hợp với Ban Kiến đàn để hình thành bộ khung, từ hình thức, nội dung đến hành nghi… đều có sự tham gia, thống nhất chung.

Về khâu khảo hạch, nội dung khảo hạch giới tử, thi sơ khảo, chung khảo cũng đều thực hiện theo khung chuẩn do Ban Kiến đàn thống nhất, trên cơ sở chỉ đạo trực tiếp của T.Ư GHPGVN.

Điểm đặc biệt của Đại giới đàn Trí Tấn lần này so với các Đại giới đàn trước đây do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức là sự thống nhất của nhân sự Ban Kiến đàn thuộc Ban Trị sự 5 tỉnh, sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng Trị sự, tuân thủ theo Bộ quy tắc do Ban Tăng sự T.Ư soạn thảo. Trước đây, mỗi đơn vị tỉnh, thành phố tổ chức Đại giới đàn đều tổ chức theo cách thức riêng của đơn vị mình, mỗi nơi có sự khác biệt.

* Với sứ mệnh quan trọng đó, trên cương vị người đứng đầu Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương, đơn vị đăng cai tổ chức và là Trưởng ban Kiến đàn, Hòa thượng có gặp phải những khó khăn, trở ngại nào không?

- Thực ra, khó khăn thì không nhiều, trước đây Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương tổ chức theo cách thức của riêng, từ cung thỉnh Thập sư, nhân sự Ban Kiến đàn đến các công tác khác. Tuy nhiên, Đại giới đàn Trí Tấn lần này được tổ chức theo mô hình cụm, tuân thủ theo Bộ quy tắc do Ban Tăng sự T.Ư soạn thảo. Về mặt tổ chức sẽ thành lập Ban Chứng minh, cung thỉnh Đức Pháp chủ GHPGVN, chư vị Trưởng lão chứng minh; chư vị Ban Cố vấn để chỉ đạo trực tiếp; Ban Kiến đàn thực hiện công tác tổ chức hành chính mời các vị Trưởng hoặc Phó Thường trực thuộc 5 tỉnh trong cụm miền Đông Nam Bộ để tham gia Phó Trưởng ban Kiến đàn; mời Ban Thư ký Ban Tăng sự, đại diện Ban Thư ký GHPGVN 5 tỉnh để thành lập Ban Thư ký Ban Kiến đàn Đại giới đàn…

Bên cạnh đó, Ban Kiến đàn còn cơ cấu một số nhân sự quan trọng của Ban Trị sự 5 tỉnh tham gia Ban Kiến đàn gồm: Ban Khảo hạch, Ban Thư ký, Ban Quản giới tử… các thành viên này sẽ liên kết tạo nên cộng đồng trách nhiệm chung, với sự đóng góp của chư tôn đức Ban Trị sự 5 tỉnh. Điều này thể hiện được vai trò lãnh đạo tập thể và trách nhiệm chung.

Đối với giới tử ở các địa phương, mỗi đơn vị Ban Trị sự phải có trách nhiệm giới thiệu, xem xét hồ sơ đúng chuẩn theo Bộ quy tắc và Quy chế hoạt động Ban Tăng sự T.Ư mới gởi đến Ban Kiến đàn, từ đó Ban Kiến đàn tổng hợp danh sách giới tử để đệ trình đến T.Ư GHPGVN.

Trước đây, ở nhiều Ban Trị sự tỉnh thành, sau khi tổ chức Đại giới đàn mới lập hồ sơ giới tử gởi về T.Ư GHPGVN, tuy nhiên ở Đại giới đàn Trí Tấn lần này, Ban Kiến đàn phải gởi hồ sơ giới tử trước về T.Ư để xem xét, thẩm định tính hợp pháp của giới tử, trước khi diễn ra việc truyền giới theo quy chế của Ban Tăng sự T.Ư.

Điểm khác biệt nữa là trước đây Ban Trị sự tỉnh, thành phố khi tổ chức Đại giới đàn thường điều hành độc lập nhưng ở Đại giới đàn Trí Tấn, tất cả các khâu đều phải có ý kiến của tập thể của Ban Kiến đàn gồm nhân sự của 5 tỉnh và chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng Trị sự. Nếu so sánh với trước đây, có khó khăn nhưng không nhiều, ngược lại Đại giới đàn lần này, Ban Kiến đàn điều hành tốt hơn. Đây cũng là điểm mới của Đại giới đàn Trí Tấn lần này.

* Đại giới đàn Trí Tấn được tổ chức theo Bộ quy tắc do Ban Tăng sự T.Ư soạn thảo, điểm ưu việt của Bộ quy tắc này là gì và nó mang ý nghĩa như thế nào, thưa Hòa thượng?

- Như tôi đã nói ở trên, trước đây, mỗi Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành tổ chức Đại giới đàn theo mỗi cách khác nhau từ hình thức đến nội dung, ngay cả các nghi thức truyền giới, hành nghi… nhưng ở Đại giới đàn Trí Tấn, chúng ta phải tuân theo Bộ quy tắc của Ban Tăng sự T.Ư.

Bộ quy tắc này được đúc kết trên cơ sở của Hiến chương sửa đổi lần 7, Quy chế Ban Tăng sự T.Ư, nhằm tạo nên sự thống nhất chung từ nội dung khảo hạch, phương thức khảo hạch giới tử; tiêu chuẩn, tiêu chí của giới sư, đặc biệt Hội đồng Thập sư Tỳ-kheo do T.Ư GHPGVN cùng Ban Kiến đàn cung thỉnh các bậc tôn túc đạo hạnh, am tường giới luật để đăng đàn truyền giới, làm điểm tựa cho giới tử đắc giới.

Theo nhìn nhận của tôi, Bộ quy tắc này sẽ tạo được sự thống nhất cao về mọi mặt như tiêu chuẩn của giới tử chi tiết, cụ thể hơn, về mặt tổ chức có sự nhất quán trong điều hành và trách nhiệm chung. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1981, sau khi thành lập GHPGVN, chúng ta có Bộ quy tắc về tổ chức Đại giới đàn và Đại giới đàn Trí Tấn sẽ được tổ chức theo Bộ quy tắc này.

Sau khi tổ chức xong Đại giới đàn Trí Tấn, chư tôn đức sẽ ngồi lại cùng đánh giá những nét ưu việt cũng như đúc kết kinh nghiệm, từ đó T.Ư GHPGVN sẽ ban hành Bộ quy tắc chính thức.

Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tấn

Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tấn

* Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về nhân duyên và ý nghĩa tôn hiệu Đại giới đàn lần này?

- Tôn hiệu của Đại giới đàn năm nay là pháp hiệu của bậc thạch trụ tòng lâm, đạo cao đức trọng của GHPGVN nói chung, tỉnh Sông Bé - Bình Dương nói riêng. Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tấn là Thành viên Hội đồng Chứng minh, nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ đầu tiên. Từ Hội nghị thống nhất thành lập GHPGVN vào năm 1981, ngài đã thay mặt T.Ư thành lập GHPGVN tỉnh Sông Bé vào tháng 1-1983 và ngài cũng đảm nhiệm vai trò Trưởng ban. Trong suốt thời gian ngài đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Trị sự tỉnh Sông Bé, ngài đã để lại di sản quý báu đó là sự đoàn kết, hòa hợp cho Tăng Ni, Phật tử tỉnh Sông Bé, Bình Dương và Bình Phước sau này.

Ngài cũng là bậc tôn túc Trưởng lão của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN lúc bấy giờ cho nên đạo đức, phẩm hạnh của cố Trưởng lão Hòa thượng Trí Tấn là biểu trưng tiêu biểu cho giới luật, có công đức lớn với Đạo pháp, Dân tộc; người xây nền móng, đóng góp xây dựng Giáo hội và xã hội. Cố Trưởng lão Hòa thượng là tấm gương sáng về giới đức, sự phụng hiến tận tụy với phong cách hài hòa, từ tốn, hy sinh của ngài để lại cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử tỉnh Sông Bé - Bình Dương nói riêng, nương theo đó tiếp nối trên con đường tu tập và hành đạo.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tấn viên tịch năm 1995, từ mốc thời gian này đến nay là tròn 30 năm. Tôn hiệu Đại giới đàn lần này với ý nghĩa tri ân công hạnh của cố Trưởng lão Hòa thượng để giới tử có thể nương uy đức ngài mà tu học.

* Công tác tổ chức hiện nay đã và đang được chuẩn bị, thực hiện như thế nào, thưa Hòa thượng?

- Đến thời điểm này, trải qua 3 lần họp liên tịch của Ban Tăng sự T.Ư, Văn phòng II T.Ư và với đại diện Ban Trị sự GHPGVN 5 tỉnh, tại Văn phòng II T.Ư, Trụ sở Ban Trị sự tỉnh Bình Dương; cùng với đó, Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh Bình Dương cũng nhiều lần họp nội bộ để triển khai, thực hiện nhiều công tác tổ chức.

Vì thế, công tác tổ chức, hiện nay cơ bản là ổn định, từ hình thức cho đến nội dung. Bởi lẽ, đây là Đại giới đàn kiểu mẫu, do đó chúng tôi cung thỉnh Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự T.Ư và Hòa thượng Thích Lệ Trang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư; Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II T.Ư chịu trách nhiệm điều hành tổng thể về các mặt như: tổ chức, nghi lễ; đặc biệt ngay cả chương trình khai mạc cũng phải ngắn, gọn, không hình thức rườm rà.

Điều Ban Kiến đàn đặc biệt lưu tâm đó là Đại giới đàn lần này phải mang tính chất cốt lõi là trang nghiêm và thanh tịnh, để giới tử đắc giới. Đây cũng là sự mong mỏi của Đức Pháp chủ và Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư.

* Để bảo đảm chất lượng của Đại giới đàn như chư vị giáo phẩm tôn túc lãnh đạo GHPGVN mong mỏi, Ban Kiến đàn dự kiến sẽ tiếp nhận số lượng giới tử đăng ký thọ giới như thế nào? Với vai trò Trưởng ban Kiến đàn, Hòa thượng có lời nhắn nhủ và lưu ý nào cho giới tử?

- Trước đây, Đức Pháp chủ và Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiều lần đúc kết, với mong muốn khi tổ chức Đại giới đàn, Ban Kiến đàn cần quan tâm đến chất lượng chứ không đặt nặng về số lượng. Nghĩa là giới trường phải trang nghiêm, giới sư thanh tịnh, giới tử phải có tâm cần cầu và chí thành để được đắc giới. Do đó, Đại giới đàn Trí Tấn lần này dự kiến có khoảng 400 giới tử đăng ký thọ giới. Đây là con số lý tưởng để đảm bảo được chất liệu thanh tịnh của việc đăng đàn truyền giới. Giới tử thọ giới được đắc giới.

Dịp này, tôi cũng gởi gắm mong muốn các giới tử trước khi thọ giới cần xác định mình là giới tử của Như Lai, xác định giới luật là thọ mạng của Phật pháp, xác định chúng ta thọ giới để tu, mục đích là tìm cầu giải thoát, cống hiến cho sự xương minh của Phật pháp. Bởi lẽ, giới đàn được gọi là “trường tuyển người làm Phật”, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, giới tử phải khao khát, cần cầu, chí thành thọ giới, để được đắc giới.

* Xin tri ân Hòa thượng đã chia sẻ cùng Báo Giác Ngộ.

Đại giới đàn Trí Tấn sẽ diễn ra từ ngày 28-3 đến 2-4-2025 (29-2 đến 5-3-Ất Tỵ), được tổ chức tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương - tổ đình Hội Khánh (P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), nơi đây cũng là điểm truyền giới cho giới tử Tăng; điểm truyền giới cho giới tử Ni tại chùa Bồ Đề Đạo Tràng (P.Bình Chuẩn, TP.Thuận An); Phân đàn truyền giới cho giới tử Tăng thuộc Hệ phái Khất sĩ tại tịnh xá Ngọc Thịnh (P.Lái Thiêu, TP.Thuận An); Phân đàn truyền giới cho giới tử Ni thuộc Hệ phái Khất sĩ tại tịnh xá Ngọc Tân (P.Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An).

H.Diệu thực hiện/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/dai-gioi-dan-tri-tan-lan-dau-tien-to-chuc-theo-khu-vuc-voi-muc-tieu-xem-trong-chat-luong-post75293.html