Dài hạn kém tích cực, Nhiệt điện Quảng Ninh lên kế hoạch lãi giảm mạnh 42%
CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên với đề xuất kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 ở mức 440 tỷ đồng, giảm mạnh 42% so năm trước.
Cụ thể, QTP đặt mục tiêu sản lượng điện sản xuất năm 2023 đạt 7.519 tỷ và sản lượng bán 6.817 tỷ kWh. Lợi nhuận sau thuế giao 440 tỷ đồng, giảm 42% so với thực hiện 2022, tương ứng mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây của QTP. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 10%.
QTP đánh giá 2023 tiếp tục là năm khó khăn trong mọi hoạt động của công ty bởi bối cảnh xung đột, căng thẳng giữa các khu vực trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lan rộng, gây biến động nguồn cung, giá cả các nguyên nhiên liệu, tỷ giá, nhất là tác động mạnh đến đảm bảo nguồn than/giá than cung cấp. Bên cạnh đó là áp lực chỉ tiêu suất hao nhiệu so với PPA (hợp đồng mua bán điện) và duy trì, đảm bảo đời sống/thu nhập ổn định cho cán bộ công nhân viên.
Ngoài ra, năm nay vẫn tiềm ẩn nguy cơ từ dịch bệnh, diễn biến thời tiết thất thường. Khó khăn còn đến từ việc phải đảm bảo hệ số khả dụng tổ máy/giảm sự cố trong bối cảnh đồng thời thực hiện sửa chữa lớn, sửa chữa bảo dưỡng còn lại năm 2022 vừa thực hiện kế hoạch 2023. Cụ thể hơn về kế hoạch sửa chữa lớn năm nay, đơn vị dự kiến thực hiện 7 danh mục với 12 hạng mục thiết vị, giá trị dự toán là 445 tỷ đồng.
Tổng giá trị đầu tư xây dựng năm 2023 của QTP là 213 tỷ đồng cho 13 dự án, trong đó 131 tỷ thuộc dự án Nhà máy điện Quảng Ninh 2. Kế hoạch mua sắm tài sản cố định sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển năm nay đạt 19 tỷ đồng.
QTP cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ nạo vét kênh tuần hoàn định kỳ, hoàn thành thi công, đại tu đưa vào sử dụng các dự án: Dự án đầu tư thi công bể lắng bùn cát kênh tuần hoàn nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, đại tu bơm tuần hoàn số 2/4/5...
Theo Quy hoạch điện VIII ngày 15/5 của Chính phủ, giảm thiểu nguồn nhiệt điện theo lộ trình chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trong đó, điện than chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng than để phát điện. Công suất điện than cực đại vào năm 2030 đạt 30.127 MW chiếm tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện 20%, giảm so với mức 33% năm 2022.
Theo đánh giá của Chứng khoán Agribank, về ngắn hạn điện than vẫn khả quan do vẫn là một phần trọng yếu trong hệ thống điện quốc gia (chiếm tới 1/3 tổng sản lượng điện). Đồng thời khả năng phát từ nguồn thủy điện sẽ giảm, kỳ vọng giá phát điện và sản lượng huy động nhiệt điện than tăng.
Tuy nhiên tầm nhìn dài hạn thì kém tích cực, bởi với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tỷ trọng nguồn điện than trong cơ cấu điện có xu hướng giảm dần và đến năm 2050 không còn sử dụng điện than để phát điện.