Đại học Ngoại thương công bố 4 phương thức tuyển sinh 2025
Chiều 22/1, Đại học Ngoại thương thông báo về các phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025.
Năm 2025, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của Đại học Ngoại thương là 4.150 (bao gồm trụ sở chính và các cơ sở trực thuộc), tăng nhẹ so với năm 2024 (4.130 chỉ tiêu). Bốn phương thức bao gồm:
Phương thức 1: Xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT với 3 nhóm thí sinh, bao gồm:
Thí sinh tham gia/đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (nội dung đề tài phù hợp với các môn thuộc tổ hợp xét tuyển). Thí sinh phải đạt điều kiện kết quả học tập và rèn luyện 6 học kỳ đạt mức khá trở lên.
Học sinh hệ chuyên các môn Toán, Toán - Tin, Tin học, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nga, Tiếng Nhật. Thí sinh phải đạt điều kiện kết quả học tập 6 học kỳ đạt mức tốt và rèn luyện mức khá trở lên.
Thí sinh không chuyên, đoạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh ở lớp 11 và 12. Thí sinh phải đạt điều kiện kết quả học tập 6 học kỳ đạt mức tốt và rèn luyện mức khá trở lên.
Với cả 3 nhóm, trường sẽ xét học bạ theo tổ hợp môn; hoặc xét kết hợp học bạ và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Phương thức 2: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, bao gồm 2 nhóm thí sinh.
Nhóm 1 là thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, sẽ xét theo tổ hợp môn, áp dụng với chương trình tiêu chuẩn. Thí sinh phải đạt điều kiện kết quả học tập và rèn luyện 6 học kỳ đạt mức khá trở lên.
Nhóm 2 là thí sinh xét kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, áp dụng với các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế, chương trình chất lượng cao ngôn ngữ thương mại.
Trường yêu cầu tổng điểm 2 môn/bài thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong tổ hợp xét tuyển: Toán - Lý hoặc Toán - Hóa hoặc Toán - Văn đạt từ ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng của trường. Riêng các chương trình chất lượng cao gôn ngữ thương mại chỉ xét tổ hợp có 2 môn Toán và Văn.
Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như sau: IELTS từ 6.5, TOEFL iBT từ 79, Cambridge từ 180 điểm, HSK 4 280/300 điểm, JLPT N3 đạt từ 130/180 điểm, DELF B2.
Ngoài ra, thí sinh phải đạt điều kiện kết quả học tập và rèn luyện 6 học kỳ đạt mức khá trở lên.
Phương thức 3: Xét tuyển chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước và quốc tế. Trong đó:
Trường xét tuyển theo kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức trong năm 2025, áp dụng với chương trình tiêu chuẩn. Ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký lần lượt với 2 kỳ thi là 100/150 và 850/1.200 điểm. Thí sinh cũng phải đạt điều kiện kết quả học tập và rèn luyện 6 học kỳ đạt mức khá trở lên.
Bên cạnh đó, trường xét tuyển chứng chỉ SAT (từ 1.380 điểm), ACT (từ 30 điểm), A-Level (điểm Toán đạt từ A) kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (yêu cầu như phương thức 2). Nhóm này áp dụng với các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế, chương trình chất lượng cao ngôn ngữ thương mại.
Phương thức 4: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, áp dụng với các chương trình tiêu chuẩn.
Về tổ hợp xét tuyển, trường giữ ổn định như năm 2024. Trong trường hợp quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GD&ĐT có sự điều chỉnh, nhà trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp môn xét tuyển phù hợp với quy định.
Năm 2024, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc - chuyên ngành Tiếng Trung Thương mại có mức điểm cao nhất Đại học Ngoại thương, lên tới 28,5 điểm (tổ hợp gốc D01). Tiếp đến là mức 28,1 điểm, áp dụng với nhóm ngành Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn và Marketing (tổ hợp gốc A00).