Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh công bố 3 phương thức tuyển sinh năm 2025
Tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQGHCM) cho biết, trong năm 2025, ĐHQGHCM sẽ thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học. Những phương thức này sẽ tích hợp nhiều tiêu chí nhằm lựa chọn thí sinh một cách toàn diện, đảm bảo chất lượng đầu vào và phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học hiện đại.
Ngày 12/2, tại hội thảo về các phương thức tuyển sinh và kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2025 do ĐHQGHCM tổ chức, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQGHCM cho biết, năm 2025 sẽ đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự đổi mới của nền giáo dục Việt Nam.
Việc triển khai toàn diện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang tạo ra những thay đổi căn bản trong phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh, đặc biệt là việc đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện hơn. Cùng với đó, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng sẽ được điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi của hệ thống giáo dục và nhu cầu xã hội nhằm tạo ra một môi trường học tập và tuyển chọn thí sinh chất lượng.
![GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQGHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ĐHQG HCM](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51460561/cb96cd93fadd13834acc.jpg)
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQGHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ĐHQG HCM
“Đổi mới phương thức tuyển sinh không chỉ là một yêu cầu tất yếu mà còn là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học nhằm tuyển chọn những thí sinh phù hợp cho giáo dục đại học, cao đẳng; đồng thời định hướng giúp học sinh THPT học tập hiệu quả và nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nhấn mạnh.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHCM cho biết, kỳ thi dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày 26 - 27/6/2025. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ rút từ 4 buổi thi (như những năm trước) xuống còn 3 buổi, nhằm tạo sự thuận tiện hơn cho thí sinh và giảm bớt áp lực trong kỳ thi quan trọng này.
Trước đó, ngày 22/11/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2025 với nhiều điểm mới. Cụ thể, chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ không quá 20%, điểm chuẩn quy đổi sẽ được chuyển về một thang điểm chung và tổ hợp xét tuyển bắt buộc có môn Toán hoặc Văn. Ngoài ra, xét học bạ sẽ phải sử dụng kết quả học tập cả năm lớp 12 và dự kiến nâng ngưỡng đầu vào đối với các ngành sư phạm và y từ năm 2025.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, mặc dù quy chế tuyển sinh đại học 2025 chưa được chính thức ban hành nhưng đến thời điểm hiện tại, khoảng 70 trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh của mình. Các phương thức xét tuyển cơ bản vẫn giữ nguyên như các kỳ tuyển sinh trước đây.
Chia sẻ về công tác tuyển sinh chính quy tại ĐHQGHCM năm 2025, TS Dương Tôn Thái Dương cho biết mục tiêu của ĐHQGHCM là triển khai công tác xét tuyển theo hướng tích hợp nhiều tiêu chí, nhằm tuyển thí sinh có năng lực toàn diện, phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng ngành, nghề. Bên cạnh đó, ĐHQGHCM cũng tiếp tục đổi mới và phát triển kỳ thi ĐGNL, coi đây là một kỳ thi quan trọng dùng làm định hướng chung trong công tác tuyển sinh tại các đơn vị thuộc ĐHQGHCM.
Để thực hiện mục tiêu tuyển sinh năm 2025, ĐHQGHCM đã thống nhất áp dụng 3 phương thức tuyển sinh đại học, bao gồm: Xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi ĐGNL do ĐHQGHCM tổ chức và xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, ĐHQGHCM khuyến khích các trường đại học thành viên xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp nhằm tuyển thí sinh có năng lực toàn diện, phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng ngành, nghề.
Cụ thể, đối với phương thức xét tuyển thẳng, chỉ tiêu tối đa là 15%, xét tuyển theo hướng tích hợp nhiều tiêu chí cùng với kết quả học tập THPT. Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi ĐGNL sẽ chiếm tối thiểu 20% chỉ tiêu, với việc xét tuyển theo hướng tích hợp nhiều tiêu chí cùng với kết quả thi ĐGNL. Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ có chỉ tiêu xét tuyển dựa theo thực tế triển khai, với việc xét tuyển theo hướng tích hợp nhiều tiêu chí cùng với kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương cho biết thêm, nguyên tắc trong công tác tuyển sinh thí sinh xét tuyển phải đạt ngưỡng đầu vào do ĐHQGHCM quy định hàng năm.
Thông tin về kỳ thi ĐGNL, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQGHCM) cho biết, sau 22 ngày mở cổng đăng ký, đã có 74.781 thí sinh đăng ký dự thi ĐGNL đợt 1 năm 2025. Dự kiến, tổng số thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi đợt 1 sẽ lên đến 120.000 em.
Tiến sĩ Chính cho biết, mục tiêu của kỳ thi ĐGNL là đánh giá các năng lực cơ bản cần thiết để học đại học của thí sinh, bao gồm sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề; đồng thời kỳ thi cũng hướng đến việc tuyển chọn thí sinh có năng lực cao, đáp ứng yêu cầu của ĐHQGHCM, góp phần vào việc chọn lựa những sinh viên có khả năng phát triển tốt trong môi trường giáo dục đại học.
Về lưu ý trong việc tổ chức kỳ thi ĐGNL năm 2025, TS Chính nhấn mạnh, việc đăng ký dự thi hoàn toàn trực tuyến. Mỗi thí sinh sẽ sử dụng một tài khoản duy nhất để đăng ký, in phiếu báo dự thi, xem kết quả thi và tải phiếu báo kết quả. Trong suốt quá trình đăng ký và thi, thí sinh sẽ được sắp xếp thi tại điểm thi gần nhất.
Phiếu báo dự thi sẽ được tạo khoảng một tuần trước ngày thi, thí sinh cần đăng nhập vào tài khoản để in phiếu báo dự thi và mang theo khi tham gia kỳ thi. Ngoài ra, thí sinh phải sử dụng bản chính căn cước công dân hoặc thẻ căn cước khi đi thi.
Đặc biệt, từ năm 2025, ĐHQGHCM chỉ cấp giấy chứng nhận kết quả thi dưới dạng điện tử, thay vì cấp bản giấy như trước đây. Thí sinh có thể tải giấy chứng nhận kết quả từ tài khoản của mình và sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học.
Hội thảo về kỳ thi ĐGNL năm 2025 có sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu, bao gồm lãnh đạo, cán bộ chuyên trách từ 25 Sở Giáo dục và Đào tạo, ban giám hiệu các trường, cán bộ, giáo viên đến từ 467 trường THPT trên cả nước, được tổ chức qua hình thức trực tuyến.