Khai thác dữ liệu số để kiến tạo giá trị mới trong giáo dục

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, Lào Cai đã xác định giáo dục là lĩnh vực trọng tâm để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng nền giáo dục mở trên nền tảng số. Kế hoạch này không chỉ phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mà còn đặt nền móng cho việc hình thành một xã hội học tập tại Lào Cai.

Đáng chú ý, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ, mà còn thay đổi cả phương pháp giảng dạy, quản trị nhà trường và cách tiếp cận của người học. Trong dạy học, điều này được thể hiện qua việc thay đổi môi trường học tập, kết hợp giữa dạy học trực tiếp, trực tuyến và ứng dụng các kỹ thuật hiện đại để nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Trong chuyển đổi số, dữ liệu số được xem là tài nguyên quan trọng nhất. Đặc điểm của dữ liệu số trong giáo dục không chỉ là sản phẩm đầu ra mà còn là nguồn nguyên liệu để tạo ra giá trị mới. Tại Lào Cai, ngành giáo dục đã xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, đáp ứng nhu cầu quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học hiệu quả.

Cụ thể, đối với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu các lớp học phải được tổ chức linh hoạt, đồng thời, hệ thống dữ liệu phải được thiết kế để đáp ứng yêu cầu này. Các hoạt động như xây dựng kế hoạch giáo dục, phân công giảng dạy và lập thời khóa biểu đều được thực hiện trên hệ thống số hóa, giúp theo dõi tiến độ giảng dạy theo thời gian thực. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho giáo viên và cán bộ quản lý, mà còn đảm bảo tối ưu hóa nguồn nhân lực tại từng đơn vị giáo dục.

Việc tận dụng dữ liệu số còn giúp ngành giáo dục triển khai các giải pháp chuyển đổi số nổi bật, như tuyển sinh đầu cấp không cần hồ sơ giấy, sử dụng sổ đầu bài điện tử, số hóa thủ tục chuyển trường. Các hệ thống quản lý học tập (Learning Management System - LMS) liên thông dữ liệu về học sinh, giáo viên, thời khóa biểu, bài giảng số, từ đó tạo môi trường học tập hiện đại và thuận lợi.

Một điểm sáng trong chuyển đổi số tại Lào Cai là việc phát triển mô hình giáo dục kết hợp. Trong bối cảnh ảnh hưởng đại dịch Covid-19, hình thức học trực tuyến đã trở thành giải pháp thay thế hiệu quả cho dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, khi điều kiện cho phép, việc kết hợp cả hai phương pháp đã mang lại những lợi ích vượt trội.

Ông Vương Quang Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai chia sẻ: “Nhà trường đã triển khai mô hình dạy học kết hợp từ năm 2019. Giáo viên được bồi dưỡng để xây dựng các bài giảng trực tuyến, triển khai dạy học trên hệ thống LMS. Học sinh vừa được củng cố kiến thức qua học trực tuyến, vừa luyện tập và vận dụng khi học trực tiếp tại trường”.

Hiện nay, ngay cả khi học sinh đã trở lại trường học trực tiếp, hệ thống LMS vẫn được duy trì như một công cụ hỗ trợ, thay thế một phần dạy học truyền thống. Học sinh có thể chủ động tham gia các khóa học, ôn thi trực tuyến và sử dụng kho học liệu số phong phú.

Một trong những mục tiêu lớn của ngành giáo dục Lào Cai là xây dựng hệ thống dữ liệu theo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”. Điều này đảm bảo dữ liệu được chuẩn hóa, liên tục cập nhật và có khả năng tái sử dụng. Ngành giáo dục đang hướng tới một mô hình dữ liệu liên thông, trong đó một dữ liệu chỉ cần phát sinh một lần nhưng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến những cơ hội lớn trong việc khai thác dữ liệu lớn. Với dữ liệu tích lũy nhiều năm, kết hợp với khoa học dữ liệu và các công cụ khai thác hiện đại, ngành giáo dục có thể tạo ra những giải pháp đột phá, mang lại lợi ích thiết thực cho cả người học và người dạy”.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Thuận, từ nay đến năm 2030, ngành giáo dục Lào Cai đặt mục tiêu xây dựng kho tài nguyên học liệu mở, chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. Song song với đó, ngành cũng triển khai lộ trình cụ thể để xây dựng Big Data, trục liên thông dữ liệu và các hệ thống phân tích, thống kê để hỗ trợ quản lý...

Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ blockchain cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị mới. AI giúp phân tích quá trình học tập của học sinh, hỗ trợ cá nhân hóa giáo dục và tối ưu hóa việc tiếp thu kiến thức. Trong khi đó, công nghệ blockchain đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu, ngăn chặn các vấn đề gian lận trong giáo dục như sửa điểm hay giả mạo bằng cấp.

Với những nỗ lực không ngừng, ngành giáo dục Lào Cai đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn về một nền giáo dục hiện đại, linh hoạt và sáng tạo. Dữ liệu số không chỉ là tài nguyên chiến lược mà còn là động lực để kiến tạo giá trị mới, đưa ngành giáo dục của tỉnh tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Những thành quả bước đầu là minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm của Lào Cai trong việc vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số để mang lại lợi ích tốt nhất cho người học, người dạy và toàn xã hội.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khai-thac-du-lieu-so-de-kien-tao-gia-tri-moi-trong-giao-duc-post397354.html