Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Hoài Đức lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030: Hướng đến tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ

Sau sáp nhập, xã Hoài Đức có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái như: Thác Mai, Thác Reo và là vùng đất trù phú với các loại cây trồng chủ lực như tiêu, cao su và nhiều mô hình cây ăn trái thích hợp phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp sáng tạo... mang lại nguồn thu trong dân. Ngoài ra, ở xã Hoài Đức còn có thôn Võ Đắt vốn là trung tâm thương mại của khu vực Đức Linh - Tánh Linh trước đây kéo dài sang giáp Đồng Nai... Thế nên, Đảng ủy xã xác định cơ cấu nền kinh tế phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ...

Đoàn Thanh niên làm đường cờ chào mừng Đại hội Đảng bộ xã Hoài Đức

Đoàn Thanh niên làm đường cờ chào mừng Đại hội Đảng bộ xã Hoài Đức

Từ hiệu quả của nông nghiệp...

Trong những năm gần đây, người dân xã Hoài Đức đã liên kết trồng lúa và nếp chất lượng cao xuất khẩu với HTX Công Thành, quy mô ban đầu chỉ vài chục ha và sản xuất theo quy trình khép kín từ giống đầu vào, kỹ thuật chăm sóc cho đến thu hoạch và bao tiêu theo giá thị trường để xuất khẩu. Sau các mùa vụ thành công liên tiếp nhờ đem lại lợi nhuận cho nông dân cao hơn làm lúa thường nên diện tích hằng năm luôn được mở rộng. Đến nay, diện tích lúa chất lượng cao ở Hoài Đức có hơn 625 ha. Từ cách làm tiên phong lúa chất lượng cao để xuất khẩu, nông dân đã liên kết với HTX Công Thành để sản xuất với trên 1.500 ha kéo dài từ Hoài Đức đến tận xã Đức Linh. Người dân đã chủ động áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến và cơ giới hóa giúp giảm chi phí đầu vào, nâng năng suất sản lượng lúa, tạo sản phẩm có chất lượng tốt hơn, tăng thu nhập cao cho người dân sản xuất lúa.

Theo UBND xã Hoài Đức, trong thời gian qua, trên địa bàn xã đã thành lập mới 3 HTX, nâng toàn xã có 5 HTX. Bên cạnh thành lập mới HTX nhằm đẩy mạnh kinh tế tập thể, UBND xã đã chủ động phối hợp với các ban, ngành và các doanh nghiệp để chuyển giao, tập huấn tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho 8.400 lượt nông dân, giúp cho nông dân tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất để áp dụng trong phát triển kinh tế. Từ thành công ở các HTX, trong xã đã xây dựng 9 mô hình kinh tế, trong đó 3 mô hình trồng trọt, 6 mô hình chăn nuôi. Các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị sản phẩm. Ở xã Hoài Đức, các HTX không chỉ là nơi làm kinh tế tập thể mà còn là cầu nối để nông dân học tập kinh nghiệm làm các mô hình mới như: trồng rau, trồng chuối cấy mô, trồng bưởi da xanh, trồng nấm mối đen, nuôi gà thả vườn...

Xã Hoài Đức thực hiện khá tốt việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng như: vùng chuyên canh cây cao su, vùng chuyên canh cây hằng năm Khu vực Đồng Lớn, vùng chuyên canh cây ăn trái, vùng lúa. Các mô hình liên kết trong trồng trọt và tiêu thụ sản phẩm được tập trung xây dựng và bước đầu phát huy hiệu quả như: mô hình Liên kết trong trồng trọt và tiêu thụ dâu tằm, mô hình Mít sấy theo tiêu chuẩn VietGAP, lúa gạo chất lượng cao... Nông nghiệp ở xã Hoài Đức đã có bước phát triển ổn định, tạo nền móng, kích thích cho thương mại, dịch vụ phát triển.

Đại diện lãnh đạo xã Hoài Đức thăm, tặng quà cho gia đình chính sách

Đại diện lãnh đạo xã Hoài Đức thăm, tặng quà cho gia đình chính sách

Đến phát huy thế mạnh thương mại - dịch vụ

Nhắc đến xã Hoài Đức nhiều người sẽ nhắc đến vùng Võ Đắt - Đức Tài nổi tiếng với khu chợ sầm uất bậc nhất khu vực từ những năm trước giải phóng miền Nam đến nay. Chợ bán đủ các loại từ quần áo, vải vóc, giày dép, vàng bạc đến cả thủy hải sản, nông cụ máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp... Do cung cấp nhiều mặt hàng nên có thời điểm một số nơi phải đi 40 - 50 km đến Đức Tài để mua. Mặt khác, trên địa bàn xã có 5 chi nhánh ngân hàng, 2 quỹ tín dụng Nhân dân nên không chỉ người dân trong vùng mà cả những vùng lân cận hằng ngày đều đến Hoài Đức để giao dịch tài chính vay vốn, gửi tiết kiệm hoặc rút tiền để mua sắm các mặt hàng cần thiết. Ở xã Hoài Đức còn có 3 phòng khám bệnh tư nhân khá uy tín và một số nhà máy chế biến nông sản, vật liệu xây dựng...

Chính sự đa dạng trong hoạt động các ngành nghề, nhất là khi nơi có nhiều ngân hàng đóng chân dẫn đến dòng tiền được lưu thông thuận tiện, kinh tế tư nhân có điều kiện phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện xã Hoài Đức có 137 doanh nghiệp và 1.741 hộ kinh doanh đang hoạt động ổn định và từng bước mở rộng. Sự sầm uất ở xã Hoài Đức đã tạo ra cơ hội để xã mời gọi thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn, phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương như: Thác Mai, thác Kreo, Suối Nách, đồi Bảo Đại và các vườn cây ăn trái... Nhiều nhà đầu tư đã kết nối, hứa hẹn kinh tế tư nhân sẽ phát triển mạnh mẽ...

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Bí thư xã Hoài Đức cho hay: Đại hội Đảng bộ xã Hoài Đức lần thứ I sẽ định hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ dựa trên các yếu tố như: các dịch vụ trên địa bàn đang có chiều hướng phát triển mạnh, hệ thống đường, điện, nước sạch được củng cố tạo thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Ngoài ra, xã còn tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển kinh tế tập thể, nhất là việc thành lập và phát triển các HTX.

Một xã Hoài Đức sẽ có sức bật mới trong nhiệm kỳ tới với nền tảng nông nghiệp chất lượng cao, thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tăng tốc và tăng cường phát triển kinh tế tập thể... Qua đó, tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của xã.

Trần Thi

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-xa-hoai-duc-lan-thu-i-nhiem-ky-2025-2030-huong-den-tang-ty-trong-thuong-mai-dich-vu-383432.html