Đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Đại lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và sự kiện khánh thành Cung Trúc Lâm Yên Tử được tổ chức trang nghiêm, thu hút hàng nghìn người dân, chư tăng, phật tử về dự.
Sáng 13-12, tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh diễn ra Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2023) và khánh thành Cung Trúc Lâm Yên Tử.
Đại lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và thành kính ngay chính tại Cung Trúc Lâm Yên Tử. Tại đây, các đại biểu, phật tử, du khách thập phương ôn lại về cuộc đời, sự nghiệp trị nước an dân, sự nghiệp Hoằng dương Phật pháp, sáng lập dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Vua Trần Nhân Tông được sử sách ngợi ca là một trong những vị hoàng đế anh minh, hiền tài trong lịch sử nước Đại Việt. Dưới sự trị vì của ông, triều đại nhà Trần đã trở thành một triều đại hiển hách nhất cả về võ công và văn trị trong lịch sử Đại Việt. Cùng với vua cha Trần Thánh Tông, ông đã trực tiếp lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và giành được thắng lợi vẻ vang.
Vua Trần Nhân Tông rời phủ Thiên Trường về tập tu, xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình). Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông rời hành cung Vũ Lâm về Yên Tử tu hành tại am Tử Tiêu, núi Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm đại sĩ.
Tại đây ngài đã sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền Phật giáo mang đậm màu sắc Việt Nam với chủ trương cư trần lạc đạo tức là gắn đạo với đời, gắn xu thế nhập thế của việc thiền với việc gìn làng, giữ nước. Tháng 11 năm Mậu Thân (1308), vua Trần Nhân Tông an nhiên viên tịch tại am Ngọa Vân, vị trí ngài nhập niết bàn chính là am Ngọa Vân ngày nay.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc. Đối với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam bấy giờ và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm mang đậm nét Phật giáo Việt Nam.
‘Ngài là nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo. Người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam’ – Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói tại buổi lễ.
Cũng tại đại lễ ngày 13-12, Ban trị sự giáo hội phật giáo Quảng Ninh tổ chức khánh thành Cung Trúc Lâm Yên Tử. Công trình được Kiến trúc sư Bill Bensley người Mỹ thiết kế, được xây dựng với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa và nguồn công đức tại Yên Tử.
Cung Trúc Lâm Yên tử là công trình đồ sộ nhất trong tổng thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với tổng diện tích xây dựng giai đoạn 1 hơn 6000m².
Cung Trúc Lâm Yên tử được xây dựng bằng chất liệu bê tông kiên cố, kiến trúc hoành tráng, phần thờ tự và nội thất bằng chất liệu gỗ sơn son thếp vàng mang bản sắc văn hóa dân tộc, hài hòa với quần thể Trung tâm văn hóa lễ hội Trúc Lâm và quần thể di tích danh thắng Yên Tử.
Công trình có sức chứa từ năm nghìn đến bảy nghìn người, là nơi tôn vinh giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Công trình cũng là nơi tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và các hoạt động văn hóa Phật giáo.