Đại lộ là động lực, muốn đại phú cần nỗ lực
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lưu ý với những tỉnh có cao tốc đi qua: 'Cao tốc mới chỉ là động lực; muốn giàu muốn mạnh, địa phương phải nỗ lực'.
Thêm hơn 150km cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) được đưa vào sử dụng sáng 19/5.
Giới tài xế nức lòng và trên các diễn đàn, cư dân mạng hết lời khen ngợi.
Trên báo chí, lãnh đạo các địa phương cũng rất phấn chấn, gọi đây là cơ hội để địa phương thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, phát triển công nghiệp, dịch vụ…
Trước đó, ngày 29/4, hai đoạn cao tốc Mai Sơn - QL 45 và Phan Thiết- Dầu Giây cũng được khánh thành. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, cả nước có thêm trên 300km cao tốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong lễ khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hôm 29/4 nhìn nhận: Chỉ trong 2 năm, cả nước có thêm hơn 300km cao tốc, so với 20 năm trước đó chỉ làm được 1.000km cao tốc, thì đây là một kỳ công.
Các địa phương có cao tốc đi qua có lý do để vui mừng, vì muốn phát triển kinh tế thì phải có đường sá. Có đường thì thông thương, hàng hóa chạy, buôn bán chạy, khu công nghiệp mở ra, có thêm công ăn việc làm… Nhưng đó chỉ mới là cơ hội, là động lực.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trong ngày 18/5, khi làm việc với hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận chia sẻ niềm vui “có cao tốc đi qua” với lãnh đạo hai tỉnh này. Nhưng ông cũng lưu ý: Cao tốc mới chỉ là động lực; muốn giàu muốn mạnh, thì địa phương phải rất nỗ lực.
Đúng vậy, cao tốc chỉ là động lực. Còn nỗ lực của con người mới đem lại hiệu quả. Không thể có chuyện thần kỳ là có cao tốc thì sẽ thu hút được đầu tư, sẽ có khu công nghiệp mở ra, thương mại, dịch vụ nhộn nhịp… Nếu nghĩ vậy thì chẳng khác nào chiêm bao giữa ban ngày.
Địa phương chỉ thu hút được đầu tư khi nỗ lực trong cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đối số, nền hành chính hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện chỉ số cạnh tranh… Trong mọi trường hợp, phải coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý.
Mặt khác, phải buộc đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao trình độ, thái độ; kịp thời xử phạt những người không làm được việc, chây ì, cản ngại và cả những công chức, viên chức vòi vĩnh, nhũng nhiễu, làm khó người dân, doanh nghiệp. Những đối tượng này không phải là hiếm, ở đâu cũng có.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng lưu ý các địa phương khi thu hút đầu tư phải cân nhắc, phải thu hút được những nhà đầu tư lớn. Bởi chính họ mới có sức hút, kéo những nhà đầu tư khác cùng vào. Những nhà đầu tư này sẽ tạo ra hấp lực cho sự phát triển.
“Đừng vì hào hứng mà chào đón tất cả. Có những nhà đầu tư tạo ra sự tích cực nhưng cũng rất nhiều nhà đầu tư chỉ toàn dựa dẫm, đòi giúp đỡ. Như vậy không hề tốt”, ông nhắc nhở.
Lưu ý của Bộ trưởng về “động lực và nỗ lực” chắc chắn sẽ giúp các lãnh đạo địa phương cân nhắc, thận trọng và chính xác hơn trong đường hướng phát triển kinh tế trước cơ hội mới đang mở ra. Ở đó, trước hết là nỗ lực của những người đứng đầu.
Nếu không, cơ hội hay động lực sẽ chỉ nằm trên giấy chứ không thể đem lại kết quả tốt đẹp như những người lạc quan hay tưởng tượng.