Dải phân cách trạm BOT đường tránh Biên Hòa 'bít' lối quay đầu, dân than gánh phí hai lần
Cơ quan chức năng cũng đã làm việc với nhà đầu tư BOT để thống nhất về việc mở dải phân cách phía đông trạm thu phí khoảng 33m. Ngay sau đó, Cục Quản lý đường bộ 4 đã chỉ đạo các bên liên quan và bộ phận nghiệp vụ tiến hành điều chỉnh bản vẽ, bố trí biển báo thông tin an toàn, vạch sơn, đèn
Những ngày gần đây, nhiều hộ dân sinh sống cạnh trạm BOT tại Km 1841+912 trên Quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (thường được gọi là trạm BOT đường tránh Biên Hòa) phản ánh về việc dải phân cách cứng phía đông được lắp đặt kéo dài, “bít” lối quay đầu xe mà buộc phải qua trạm đã gây bất tiện, ảnh hưởng không nhỏ tới công việc kinh doanh khiến cuộc sống trở nên khó khăn. Trước tình trạng này, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có chỉ đạo cụ thể giải pháp để tránh gây thiệt hại cho lợi ích của người dân.
Phá sản vì không kinh doanh được
Ông Trần Đức Bài, người dân sinh sống cạnh trạm thu phí BOT cho biết, trước đây, gia đình ông mở một cơ sở kinh doanh máy nông cơ với số vốn khoảng 30 tỷ. Từ khi hình thành trạm đến nay, gia đình ông bị đảo lộn về công việc kinh doanh. Do dải phân cách cứng bằng bê tông được lắp đặt kéo dài khoảng 300m, những người tới cơ sở buôn bán của ông Bài phải đi 2 lần qua trạm BOT gây tốn kém. Do đó mà công việc kinh doanh của gia đình ông Bài ngày càng khó khăn, buộc phải thanh lý cơ sở kinh doanh.
Theo ông Bài, công việc kinh doanh trong quá khứ đã bị thiệt hại nặng. Không chỉ vậy, cuộc sống trong tương lai của gia đình ông cũng bấp bênh và khó khăn. Sau khi cơ sở kinh doanh máy nông cơ bị phá sản, hiện nay ông Bài mở một khu vui chơi trẻ em kết hợp buôn bán đồ ăn uống nhưng vô cùng ế ẩm. Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi dải phân cách “bít” lối quay đầu, giá trị tài sản của ông Bài cũng ngày càng sụt giảm: "Mặt bằng của tôi rất lớn, trước lúc có trạm thu phí giá trị đất rất tốt. Bây giờ trạm thu phí đã làm tôi phá sản, phần sau này, phần vô hình mà tôi bị thiệt hại là giá trị đất càng mất giá trị. Có bán cũng chẳng ai mua, tại vì làm ăn kinh doanh không được. Đối với dải phân cách, người dân bao nhiêu lần kiến nghị các cơ quan chức năng nhưng xong rồi đi, chẳng ai có phản hồi gì cho dân biết".
Tương tự, bất cập về dải phân cách tại trạm BOT đường tránh Biên Hòa gây thiệt hại đến 80% doanh thu của gia đình bà Trần Thị Thanh Bình. Là chủ của cơ sở kinh doanh cá giống, nhưng công việc ngày một khó khăn nên gia đình bà Bình phải lấp luôn ao cá và chỉ còn để lại những bể nhỏ để nuôi các loại cá giống. Bà Bình cho biết, khách hàng không muốn phải đi qua lại trạm thu phí 2 lần vì không có lối quay đầu nên cơ sở kinh doanh của bà ngày một thưa vắng khách. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, bà Bình không thể kinh doanh do mặt bằng không thuận tiện. Bà Bình kiến nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc và có biện pháp hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân: "Mở dải phân cách để xe đến khu vực phía những nhà gần trạm có thể quay đầu lại mà không phải qua trạm một cách vô lý. Bởi vì xe đâu có đi đến đường tránh, tại sao phải đóng phí. Các hộ dân ở đây nhiều năm nay có đơn từ xin giải quyết thỏa đáng cho người dân, đảm bảo lợi ích người dân xung quanh khu vực này".
Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Văn Thành – Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4, Tổng Cục đường bộ cho biết, hiện một số hộ dân ở ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom tiếp tục có ý kiến phản ánh về bất cập của dải phân cách phía đông trạm thu phí BOT đường tránh Biên Hòa. Trên cơ sở đó, Cục Quản lý đường bộ 4 chủ trì cuộc họp liên ngành vào ngày 23/2 cùng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, Sở GT-VT tỉnh Đồng Nai, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Trảng Bom và nhà đầu tư BOT đi kiểm tra, đánh giá lại về kiến nghị của người dân.
Cơ quan chức năng cũng đã làm việc với nhà đầu tư BOT để thống nhất về việc mở dải phân cách phía đông trạm thu phí khoảng 33m. Ngay sau đó, Cục Quản lý đường bộ 4 đã chỉ đạo các bên liên quan và bộ phận nghiệp vụ tiến hành điều chỉnh bản vẽ, bố trí biển báo thông tin an toàn, vạch sơn, đèn tín hiệu…để khi mở dải phân cách đảm bảo an toàn giao thông. Nói về nguyên nhân trước đó, Cục Quản lý đường bộ 4 đã nhiều lần có ý kiến với nhà đầu tư trạm thu phí BOT về cùng vấn đề nhưng không được giải quyết dứt điểm, ông Thành cho biết do nhà đầu tư không đủ kinh phí thực hiện: "Trước đó Cục Quản lý đường bộ 4 đã giao trách nhiệm cho Chi cục Quản lý đường bộ khu vực tổ chức phối hợp cùng địa phương để thống nhất biên bản kiểm tra hiện trường. Tuy nhiên chưa có sự thống nhất của nhà đầu tư liên quan đến phương án tài chính. Để việc đi lại thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp khu vực đó, cục đã chủ trì để giải quyết dứt điểm chỗ điểm nóng này, sao cho đảm bảo hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp".
Trạm thu phí BOT đường tránh Biên Hòa do Công ty Cổ phần Đầu tư Đồng Thuận xây dựng từ cuối năm 2009 và bắt đầu thu phí từ năm 2014. Đây là trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng đoạn đường tránh TP.Biên Hòa (nay là đường Võ Nguyên Giáp) và cải tạo, nâng cấp một đoạn ngắn Quốc lộ 1. Dự án có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, thời gian thu 10 năm./.