Đài phát thanh và truyền hình Indonesia thực hiện cắt giảm ngân sách toàn diện cùng cả nước
Truyền thông Indonesia ngày 12/2 cho biết, Đài phát thanh RRI và Đài truyền hình nhà nước TVRI đã cắt giảm nhân viên hợp đồng và cộng tác viên sau khi Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto yêu cầu cắt giảm ngân sách toàn diện với tất cả các bộ và cơ quan.
![Sự kiện văn hóa thể thao lớn do Đài truyền hình Indonesia tường thuật trực tiếp. Ảnh: NST](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_425_51464878/45b226e216acfff2a6bd.jpg)
Sự kiện văn hóa thể thao lớn do Đài truyền hình Indonesia tường thuật trực tiếp. Ảnh: NST
Người phát ngôn của RRI Yonas Markus Tuhuleruw cho biết, ngân sách của đài phát thanh đã giảm từ 1.070 tỷ Rp (65,47 triệu USD) xuống còn hơn 707 tỷ Rp trong năm nay. Nhưng việc cắt giảm không ảnh hưởng đến những nhân viên được phân loại là công chức nhà nước, khẳng định việc cắt giảm sẽ không ảnh hưởng đến phát sóng và cho rằng đó là biện pháp cuối cùng.
Dù vậy, một số đơn vị của các đài phát thanh và truyền hình nhà nước lo ngại về cuộc sống của hàng trăm nhân viên bị mất việc làm. Kênh truyền hình TVRI cho biết đã quyết định tạm dừng tuyển dụng cộng tác viên, nhưng sẽ thay đổi tùy vào nhu cầu của từng đài khu vực. Yêu cầu đặt ra sẽ khắt khe hơn khi những cộng tác viên chỉ nhận thù lao với tác phẩm được phát sóng. Những người lao động khác do bên thứ ba cung cấp, bao gồm dịch vụ vệ sinh, nhân viên an ninh và tài xế, cũng bị ảnh hưởng bởi đợt cắt giảm này.
Bộ trưởng Bộ Nhân lực Indonesia Yassierli cho biết vẫn đang chờ số liệu từ các cơ quan phát thanh và truyền hình nhà nước, nhấn mạnh ngành truyền thông đại chúng đang có những thách thức riêng. Bộ Nhân lực Indonesia có trách nhiệm cung cấp viện trợ xã hội cũng như biện pháp giúp đỡ những người bị mất việc làm.
Chính quyền của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto gần đây đã quyết định cắt giảm 306.000 tỷ Rp ngân sách của các bộ và cơ quan. Điều này bao gồm cắt giảm hơn 70 % ngân sách của Bộ Công trình Công cộng từ mức ban đầu được phân bổ là 110.950 tỷ Rp xuống chỉ còn 29.570 tỷ Rp trong năm nay. Điều này được cho sẽ ảnh hưởng đến nhiều dự án cơ sở hạ tầng trong nước như đập, mạng lưới thủy lợi, bảo trì đường bộ, cầu và các khu vực phát triển du lịch cũng như những dự án khác.
Theo nhiều nhà quan sát, việc cắt giảm ngân sách hạ tầng đặt ra bài toán khó cho Indonesia: làm sao cân bằng giữa tiết kiệm và duy trì đầu tư thiết yếu. Dù mục tiêu là tài trợ cho các chương trình xã hội quan trọng, chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo các biện pháp thắt lưng buộc bụng không gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Ý tưởng ban đầu để thành lập một đài truyền hình ở Indonesia được đưa ra bởi Bộ trưởng Thông tin Indonesia - Maladi năm 1952, nhưng thất bại vì được cho là quá tốn chi phí.
TVRI được thành lập dựa trên Nghị định của Bộ trưởng Bộ Thông tin Cộng hòa Indonesia số 20 / SK / VII / 61, sau đó trở thành một phần của Cục Phát thanh và Truyền hình thuộc Ban tổ chức Đại hội Thể thao châu Á IV 1962. TVRI đã phát sóng thử nghiệm lần đầu tiên vào lễ kỷ niệm Ngày quốc khánh từ Cung điện Merdeka vào ngày 17 tháng 8 năm 1962. Với sự hiện diện của TVRI, Indonesia trở thành quốc gia thứ tư ở châu Á có đài truyền hình, sau Nhật Bản, Philippines và Thái Lan.